Đang vận hành bình thường bỗng dưng bị khựng lại, liên tục nhốt người bên trong hay “cao hứng” rơi tự do vài tầng là những chuyện…thường ngày của thang máy ở các chung cư.
Sự cố thang máy, chuyện thường ngày!



Thang máy tại chung cư 229 phố Vọng, có ba chiếc thì một chiếc bị hỏng, chiếc bên phải, bảng hướng dẫn sử dụng đã bị lột đi từ bao giờ (ảnh chụp sáng 24/9).
Vụ tai nạn chết người tại chung cư CT3 Trung Hòa, Hà Nội mới đây mà nguyên nhân là vì cái thang máy đang khiến dân tình xôn xao. Tuy nhiên, thang máy gặp sự cố không phải hiếm thấy mà diễn ra thường xuyên tại các chung cư, tòa nhà cao tầng ở thủ đô.

Chị Nguyễn Thanh Mai, một người dân đang sống tại chung cư CT20 Việt Hưng, Long Biên cho biết: “Hơn một tháng nay, thang máy của chung cư liên tục phát ra những tiếng kêu lạ. Khi chúng tôi yêu cầu nhân viên bảo vệ kiểm tra thì họ nói là do cáp khô dầu. Tuy nhiên, sau khi sửa chữa chỉ được hơn một tuần, tiếng kêu lạch cạch rất to lại tiếp tục khiến người dân trong chung cư nơm nớp lo sợ”.

Thang máy tại chung cư đô thị Văn Quán cũng khiến người đi nhiều phen hú vía khi bị cô lập bên trong. Chị Lê Thị T., sống tại tòa nhà cho hay: “Cách đây khoảng bốn tuần, thang đang di chuyển bình thường, bỗng bị khựng lại, cửa cũng không mở. Tôi bấm chuông mãi nhưng không thấy nhân viên của tòa nhà tới hỗ trợ. May mà di dộng không bị mất sóng nên tôi gọi cho một người quen đang làm việc tại tòa nhà đó xuống báo cho người trực thang máy. Gần 30 phút bị nhốt bên trong tôi mới thoát được ra ngoài”.

Đầu tháng 8 vừa qua, chung cư cao cấp Keangnam khiến cư dân sống trong tòa nhà bức xúc khi thang máy chỉ mới đưa vào hoạt động nhưng đã liên tục "nhốt" người. Ông T., một cư dân sống tại tầng 19 tòa nhà phản ánh: “Tôi đã bị mắc kẹt hai lần trong thang máy một lần khoảng 5 phút, một lần 30 phút. Riêng lần 30 phút tôi đã bấm chuông cho đội bảo vệ, họ nói tôi cứ đứng đợi. Trong suốt thời gian
đó, thang máy hết đi lên tầng 16 rồi lại xuống tầng 1 và cứ như thế đến 30 phút tôi mới được giải cứu”. Ngoài ông T., theo ghi nhận, có khá nhiều người trong tòa nhà cũng từng bị nhốt trong thang máy của chung cư cao cấp này.

Không chỉ thường xuyên mắc kẹt, nhốt người bên trong, việc thi thoảng thang máy tại các chung cư “nổi hứng” rơi tự do mới thực sự khiến người dân dựng tóc gáy. Theo phản ánh của cư dân đang sinh sống tại chung cư 229 phố Vọng, có lần thang máy tại đây liên tiếp bị rơi tự do tới bốn lần trong vòng chưa đầy hai tháng. “Gia đình tôi có 5 người thì ba người đã từng nếm trải cảm giác thang máy rơi trong đó có tôi. Lúc đó tôi có cảm giác như mình sắp mất mạng đến nơi, thực sự rất hoảng sợ”, chị Hằng, một người dân sống tại tầng 9 của chung cư cho biết.

Sáng 24/9, có mặt tại chung cư 229 phố Vọng, theo quan sát của phóng viên, tòa nhà có ba thang máy thì một thang ở giữa đã bị hỏng, không di chuyển được. Thang máy bên phải, phía trong bảng hướng dẫn sử dụng đã bị lột đi từ bao giờ còn thang bên trái, phím bấm chuông báo động bị cháy nám, không hiện rõ hình. "Ban quản lý không mấy quan tâm sửa chữa nên nếu có xảy ra sự cố, người nào không quen sử dụng thang máy cũng không biết đường nào mà lần", một người dân sống tại tòa nhà phàn nàn.

Ngoài chung cư 229 phố Vọng, theo phản ánh của người dân, thang máy tại các chung cư NO3 ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, tòa nhà M3M4 Nguyễn Chí Thanh cũng đã từng rơi tự do.


Thang máy còn lại thì phím bấm chuông báo động đã bị cháy xem,
không rõ hình.

Vì sao thang máy hay xảy ra sự cố?

Thang máy liên tục xảy ra sự cố tại các chung cư đang khiến người dân rất hoang mang, lo lắng. Trao đổi với Đất Việt, một kỹ sư thang máy có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho biết nguyên nhân khiến thang máy xảy ra sự cố là do chất lượng thang chưa đảm bảo, lắp đặt, bảo dưỡng chưa đúng quy trình. Bên cạnh đó, khâu cứu hộ khi thang máy xảy ra sự cố thực sự rất quan trọng. Nếu không thực hiện đúng quy trình rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc giống như sự việc tại tòa nhà CT3 Trung Hòa, Nhân Chính.

Theo kỹ sư này, mỗi thang máy khi được sử dụng vào công trình đều được kiểm định về chất lượng an toàn. Thông thường, các thang máy bảo đảm đều có các chức năng an toàn như phanh cơ học đề phòng đứt cáp rơi tự do, khi thang xảy ra sự cố thì chỉ rơi khoảng một, hai tầng sẽ dừng lại, rồi thang tự đưa về tầng gần nhất và mở cửa cho người thoát ra. Bên cạnh đó, hầu hết các thang máy đều được lắp lò xo và giảm chấn để giảm thiểu va đập mạnh khi thang rơi.

Còn khi xảy ra mất điện nguồn, thang máy sẽ có bộ cứu hộ tự động, hoặc bộ lưu điện UPS, chức năng này hoạt động đưa người trong thang về tầng gần nhất mở cửa cho người thoát ra. Ngoài ra thang máy còn được kết nối với máy phát điện của tòa nhà để đề phòng khi mất điện.

“Tuy nhiên, theo quy chuẩn của Việt Nam, một số thiết bị an toàn khá quan trọng của thang máy đều không bắt buộc phải có, ví dụ như bộ lưu điện UPS. Nên thường các nhà đầu tư công trình đều cắt, bỏ đi để giảm chi phí. Bên cạnh đó, ở các nước phát triển, người ta rất quan tâm đến việc kiểm định thang máy thường xuyên, còn Việt Nam, chúng ta chưa quan tâm đến an toàn thang máy vì cho rằng mới lắp đặt, nhưng thực tế qua một thời gian sử dụng, dây cáp cũng sẽ dão đi, các thiết bị khác cũng có thể hư hỏng. Và khi đó, rất có thể nguy hiểm với người sử dụng”, vị kỹ sư này cho hay.

Còn ông Nguyễn Xuân Giang, trưởng phòng kỹ thuật của Công ty thang máy và thiết bị Thăng Long khẳng định hầu hết các tai nạn đáng tiếc dẫn đến chết người do sự cố thang máy đều vì cứu hộ chưa đúng. “Khâu cứu hộ người trong thang máy khi xảy ra sự cố rất quan trọng. Do vậy các tòa nhà cao tầng cần phải có đội cứu hộ tinh nhuệ, nắm vững các kiến thức cơ bản về cứu hộ mới có thể đưa người mắc kẹt trong thang máy ra ngoài một cách an toàn. Tôi thấy hiện nay, để giảm chi phí, đa phần bảo vệ các tòa nhà đều kiêm luôn công tác cứu hộ thang máy mà không có đội bảo hộ thang máy chuyên nghiệp thường xuyên túc trực. Trong khi đó, hầu hết các bảo vệ đều có trình độ rất thấp, có khi chỉ học hết cấp II thì làm sao nắm vững được quy trình cứu hộ”, ông Giang phân tích.

Các chuyên gia khuyến cáo, cách xử lý tình huống của người gặp nạn trong thang máy cũng rất quan trọng để tránh xảy ra tai nạn. Người bị mắc kẹt không nên hoảng loạn khi thang xảy ra sự cố mà phải bấm chuông, tìm cách liên lạc với bên ngoài và bình tĩnh chờ đội cứu hộ đến giải quyết, tự ý tìm cách thoát ra ngoài như cạy cửa thang rất nguy hiểm.
Theo Minh Tùng (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.