Báo Thanh tra ngày 23/9/2016 đăng bài “ Cần đảm bảo quyền lợi cho 5.000 người dân”, phản ánh về việc vừa chậm, vừa sai của một số tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt phân khu H2-3 ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của gần 5.000 người dân trên địa bàn.
Dân cư sinh sống ổn định hàng chục năm ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Ảnh: TL
Ngày 24/10/2016, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 6108/UBND-ĐT phúc đáp Báo Thanh tra và gửi kèm Thông báo số 155/BC ngày 19/9/2016 của UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra thông tin báo nêu.
Theo hồ sơ dự án, tháng 5/2004, UBND TP Hà Nội giao Trung tâm Kỹ thuật rau quả Hà Nội hợp tác với Công ty Cổ phần (CP) Sao Vàng làm chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng khu công viên hồ điều hòa trên diện tích đất gần 7 ha của Trại Rau giống Định Công và phần diện tích mở rộng là đất nông nghiệp đã giao cho người dân nhiều hộ đã được cấp sổ.
Sau 12 năm giao việc, cuối tháng 6/2016, UBND TP Hà Nội đánh giá kết quả triển khai lập quy hoạch là quá chậm. Cụ thể: Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hoàng Mai (Báo cáo số 07 ngày 27/2/2012) và Viện Quy hoạch xây dựng (Công văn số 1787 ngày 23/8/2016) cho rằng, những căn cứ để xây dựng quy hoạch hiện tại chủ yếu dựa vào các số liệu cũ - năm 1998 (trước thời điểm thành lập quận Hoàng Mai). Do vậy, không phù hợp với hiện tại.
Đồng quan điểm, Sở Tài nguyên & Môi trường có Báo cáo số 175 ngày 2/2/2016 về kết quả kiểm tra Công ty CP Sao Vàng thuê đất để lập dự án, chỉ ra nhiều sai phạm.
Tại Công văn số 4380/QHKT ngày 29/12/2010 của Sở Quy hoạch Kiến trúc gửi UBND TP Hà Nội có nêu: “Việc Công ty CP Sao Vàng đề nghị được đầu tư tổ hợp công viên sinh thái, biệt thự, nhà vườn kết hợp nhà chung cư công trình công cộng tại một phần đất trong khu công viên A1/CXKV tại phường Định Công, quận Hoàng Mai là không phù hợp với chức năng ô đất theo quy hoạch chung 108 và quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP phê duyệt”.
Trước tiến độ vừa chậm, vừa sai và đặc biệt là phản ứng gay gắt của nhiều nghìn người sinh sống ổn định trên địa bàn cả chục năm nay, trong đó có nhiều gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND TP Hà Nội… đã vào cuộc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra quy hoạch khu công viên điều hòa.
Từ kết quả tổng hợp trên, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo: “Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan đã lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu H2-3 không đúng với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011”.
Khảo sát thực hiện đo vẽ bản đồ, xác định ranh giới khu dân cư ngõ 192 Lê Trọng Tấn thuộc ô đất A1/CXKV và nghiên cứu điều chỉnh cục bộ chung ô đất theo hướng giữ nguyên khu dân cư với diện tích hiện hữu để chỉnh trang.
Đối với diện tích còn lại của ô đất A1/CXKV, sử dụng đúng quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… đảm bảo theo các quy chuẩn cho đất cây xanh, thể dục, thể thao, hồ điều hòa với không gian cây xanh lớn, tập trung, không chia cắt công viên. Quá trình nghiên cứu, lập phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung ở khu đất, tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng và trước khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo…
Chỉ đạo là vậy, nhưng ngày 23/8/2017, Công ty CP Sao Vàng có Văn bản số 23.08 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất triển khai dự án khu công viên hồ điều hòa với các căn cứ đưa ra lại dựa vào Quy hoạch phân khu H2-3 của UBND TP Hà Nội đã bị Chính phủ bác bỏ (Văn bản số 7252 ngày 12/7/2017).
Nội dung công văn của Công ty CP Sao Vàng đề xuất “đầu tư công trình hỗn hợp theo hướng bố trí nhà ở thương mại và xã hội phục vụ nhu cầu tái định cư… bằng nguồn vốn đối ứng của công trình hỗn hợp và khai thác một phần (công trình thể thao, du lịch)… tạo nguồn thu cho địa phương…”.
Đề xuất này trái với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, bởi Phó Thủ tướng yêu cầu “nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung ô đất theo hướng giữ nguyên khu dân cư với diện tích hiện hữu để chỉnh trang. Đối với diện tích còn lại của ô đất A1/CXKV sử dụng đúng quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không chia cắt công viên…”.
Theo nhận xét của một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì Công văn số 23.08 của Công ty CP Sao Vàng dựa vào căn cứ của Bản quy hoạch phân khu đô thị H2-3 đã bị Chính phủ bác bỏ, vừa có nội dung trái với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Ngoài ra, còn sai về quy chuẩn văn bản, cụ thể: Công văn không ghi rõ họ tên, chức danh người ký dưới văn bản vẫn được đóng dấu!
Một số chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng lo ngại phương án tạo nguồn vốn đối ứng cho kinh phí xây dựng công viên ẩn chứa nhiều rủi ro, dễ phát sinh tiêu cực. Việc mở rộng quy hoạch vào vùng dân cư đang sinh sống ổn định ở tổ dân phố 1A và một phần tổ 1 (ngoại trừ dân sinh sống dọc ngõ 192 Lê Trọng Tấn) sẽ gây xáo trộn đời sống của hàng nghìn người.
Từ thực tế trên, đề nghị UBND TP Hà Nội, các ngành có liên quan nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ để không ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân và khai thác có hiệu quả hàng chục ha đất còn lại bị để hoang hóa nhiều năm nay, đặc biệt có được một công viên sinh thái phù hợp với môi trường hiện tại.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo, trước ngày 1/11/2017, UBND TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đã lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu H2-3 (khu công viên hồ điều hòa trên ô đất A1/CXKV thuộc quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân)không đúng với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Thế Lữ (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.