Trước mắt, các TCTD phải có trách nhiệm quản lý trực tiếp bất động sản mà các doanh nghiệp đã thế chấp để vay vốn.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời báo chí về một số nội dung liên quan đến Công ty quản lý nợ quốc gia (VAMC), tháo gỡ khó khăn cho DN, nền kinh tế...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

PV: Thưa ông, vừa qua, Công ty quản lý nợ quốc gia (VAMC) ra đời đã được mọi người chào đón nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng như vậy mới chỉ là tạm treo nợ lại thôi chứ không phải giải quyết nợ?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: VAMC có một số nhiệm vụ khác chứ không phải chỉ mua bán nợ. Trong khi nợ hiện nay phần nhiều gắn với bất động sản nên việc đó là để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng khi cho vay mà được thế chấp bằng tài sản. Thị trường bất động sản bây giờ mà bán thì rẻ như bèo. Nhưng khi thị trường ấm lên thì lại khác.

PV: Nhưng VAMC mua lại nhiều bất động sản liệu có xử lý được không, thưa ông?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Về cơ bản vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải quản lý. Còn trên danh nghĩa thì VAMC nắm giữ chứ không phải xử lý cụ thể. Xử lý cụ thể vẫn phải qua những công ty thẩm định giá, đấu giá. TCTD phải có trách nhiệm thì mới quản được, chứ không thì mất hết.

Trái phiếu do VAMC phát hành được đảm bảo bằng món nợ vay BĐS cho nên an toàn, không có vấn đề gì cả, giúp ngân hàng thanh khoản được. Thực ra đây cũng là hình thức tạo điều kiện cho DN được vay khoản mới. VAMC phải giám sát các dự án, cái nào có hiệu quả thì cho vay, gắn với nợ xấu, nợ cũ thì không được vay.

PV: Có chuyên gia đề nghị là nới phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài lên 49% hoặc hơn 50% rồi sau đó giảm dần xuống như một số nước đã làm. Ông thấy giải pháp này thế nào?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cái đó hiện nay đang tính toán, chưa thể nói ngay được, vì phải xét đầy đủ tất cả các yếu tố.

PV: Ông vừa nói, BĐS bây giờ rất rẻ. Nếu dùng tài sản ấy đảm bảo cho trái phiếu thì có quá rủi ro không?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Thường làm tài sản thế chấp, trừ làm bậy, hoặc là ngân hàng của mình vay cho mình, còn hầu hết các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp đều chỉ cho vay thấp hơn giá trị. Cho vay dưới giá trị thực là an toàn rồi. Ngoài ra, cũng không cho vay toàn bộ giá trị BĐS nên không ngại vẫn đề rủi ro.

PV: Liệu ngân hàng có nên chịu lỗ khi đem tài sản thế chấp ra đấu giá?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Có chứ. Hiện vẫn yêu cầu ngân hàng làm việc ấy một cách bình thường. Việc nào làm được vẫn phải làm theo Luật tín dụng, chứ không phải đóng băng hết.

PV: VAMC ngoài phát hành trái phiếu đặc biệt vẫn mua lại nợ. Với chừng ấy công việc thì quy mô 500 tỷ đồng liệu có đủ không?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Trước mắt là không có vấn đề gì. Sau này triển khai thực hiện thì tiếp tục xem xét.

PV: Trở lại với tình hình kinh tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chính sách tài khóa và gói miễn giảm thuế nên áp dụng sớm, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp nên bắt đầu ngay từ 1/7 tới. Ý kiến ông thế nào?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Vấn đề này, Chính phủ đã có ý tưởng từ đầu năm nhưng liên quan đến cắt, giảm thuế lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến có nghị quyết riêng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là đưa vào luật. Luật được thông qua thì thực hiện được ngay vì thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp theo quý và quyết toán theo năm nên không lo ngại việc sớm hay muộn.

PV: Hiện nay, nhiều DN vẫn tắc về vốn. Nếu vay thêm trái phiếu thì sợ rằng kênh tín dụng vẫn không chảy vào doanh nghiệp. Lo lắng này liệu có xảy ra trên thực tế không, thưa ông?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Vừa rồi Chính phủ giải quyết tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, bây giờ là giải quyết nợ xấu. Những dự án mới nếu có hiệu quả thì vẫn chỉ đạo ngân hàng cho vay.

Còn trái phiếu chỉ ở mức độ thôi chứ không phải quá lớn. Mà nếu có như thế thì so với tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế này cũng không đáng kể.

PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.

Vũ Hạnh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.