Sáng nay (18/8), sau khi trực tiếp thị sát và lắng nghe ý kiến các cơ quan liên quan về những vướng mắc của hai dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng cho hai "siêu" dự án này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường kiểm tra dự án trên công trường xây dựng cầu Nhật Tân

Bài toán nút giao Phú Thượng đã có lời giải

Trên công trường xây dựng cầu Nhật Tân, ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban QLDA 85 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đến thời điểm này, 3 gói thầu đã thực hiện được 97,4% khối lượng xây lắp. Theo ông Vân, hiện nay chủ đầu tư đang gặp một vấn đề vướng mắc tại nút giao Phú Thượng.

Trước đây, nút giao này được tính toán trong điều kiện hình thành cùng với tuyến Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy và tuyến đường Hoàng Hoa Thám được mở rộng trước năm 2015 để phân bổ lưu lượng giao thông từ cầu Nhật Tân về trung tâm chính trị Ba Đình. Tuy nhiên, tình hình hiện nay không giống với giả thiết nghiên cứu ban đầu, do dự án đường Vành đai 2 chưa hoàn thành theo quy hoạch, tuyến đường chính bên ngoài đê Hữu Hồng cũng chưa hình thành. "Các phương tiện từ cầu Nhật Tân xuống sẽ không thể đi theo hướng về Cầu Giấy và ngược lại. Do vậy, nguy cơ ùn tắc giao thông tại nút giao này là hiện hữu", ông Vân cho biết.

Để giải quyết bài toán ùn tắc tại nút giao này, TEDI đã nghiên cứu các phương án tăng cường năng lực thông hành nút giao Phú Thượng và đề xuất phương án xây dựng cầu vượt bằng thép chạy bám sát dọc theo đê Hữu Hồng. Tuy nhiên, do đây là hạng mục phát sinh ngoài dự kiến nên đến nay vẫn chưa thống nhất được đơn vị nào sẽ chi trả kinh phí để xây dựng hạng mục trên giữa chủ đầu tư dự án và TP.Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Vân cho rằng: "Đây là hạng mục nằm trong dự án đền bù GPMB do TP.Hà Nội làm chủ đầu tư nên kinh phí để xây dựng cầu vượt thép và các hạng mục liên quan lấy nguồn kinh phí từ UBNDTP.Hà Nội là hợp lý ".

Lãnh đạo Ban QLDA 85 cũng cho biết, để triển khai xây dựng cầu vượt trên sẽ gặp phải rất nhiều vướng mắc do phải thi công các hạng mục mố trụ cầu, tường chắn trên thân đê Hữu Hồng và ảnh hưởng đến tĩnh không của đường dây điện 110KV cắt ngang qua đê.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBNDTP.Hà Nội phân trần: "Hà Nội đã phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để chi trả tiền GPMB cho dự án, phần hạng mục phát sinh này nằm trong dự án xây dựng cầu cầu Nhật Tân nên chủ đầu tư phải bỏ kinh phí".

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các bên liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, cần thiết phải bổ sung thêm cầu vượt ở nút giao Phú Thượng để khai thác hiệu quả toàn tuyến đường và đảm bảo không xảy ra ùn tắc.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, khi triển khai xây dựng cầu vượt tại nút giao Phú Thượng, các đơn vị cần phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Nguồn vốn để xây dựng cầu vượt và các hạng mục liên quan, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm, vốn sẽ được lấy từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng cầu Nhật Tân. Về công tác thi công 2 tuyến hầm tuynel để hạ ngầm cho các đường cáp điện 110KV và 220KV, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội xây dựng phương án thiết kế và kinh phí dự toán để trình chủ đầu tư là Ban QLDA85 thông qua.

"Ngành Điện phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư đảm bảo thiết kế, thi công theo quy định. Để khớp tiến độ cho toàn dự án ngành điện chủ động tìm ngay các đơn vị có năng lực để chỉ định thầu. Đã có quy định cho phép các gói thầu về hạ tầng khi GPMB được phép chỉ định thầu để đảm bảo phù hợp với tiến độ nên ngành điện phải khẩn trương thực hiện, càng lùi thời gian hạ ngầm cáp điện sẽ càng khó thực hiện và không đảm bảo hoàn thành tiến độ theo kế hoạch vào dịp Tết Âm lịch", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu do Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 89,943 tỷ yên Nhật, tương đương 13.626,36 tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, dự kiến, đầu tháng 10/2014 sẽ được thông xe kỹ thuật.

Đẩy nhanh tiến độ GPMB, loại bỏ nhà thầu yếu kém

Cùng ngày, kiểm tra dự án xây dựng đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu TP.Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc di dời các hộ dân gây cản trở đến công tác thi công của dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Ban QLDA 85 cần rà soát, đánh giá năng lực và loại bỏ những nhà thầu yếu kém làm chậm tiến độ của toàn dự án.

Báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình triển khai dự án, lãnh đạo Ban QLDA 85 cho biết, dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, đến nay khối lượng thực hiện đạt 79%, trong đó, gói số 1 đã cơ bản hoàn thành, các gói 2, 3, 5 đều hoàn thành trên 80% khối lượng, dự kiến thông xe kỹ thuật vào đầu tháng 10/2014. Riêng gói thầu số 4 do Công ty xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công hiện mới được 59% khối lượng công việc.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, nguyên nhân chính dẫn tới gói thầu số 4 thi công bị chậm là do vướng GPMB. Tại gói thầu này vẫn đang tồn tại 2 hộ dân chưa bàn giao GPMB, cùng với việc nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn thường xuyên ra cản trở thi công. "Chủ đầu tư đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương để giải tỏa các vướng mắc về mặt bằng, nhưng khi nào lực lượng chức năng rút đi, các hộ dân này tiếp tục lao ra ngăn cản nhà thầu thi công dự án", ông Vân nói.

Trước phản ánh của đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận có tình trạng này, Phó Chủ tịch TP.Hà Nội khẳng định: "Trong tháng 8 sẽ vận động 2 hộ còn lại bàn giao mặt bằng nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế". Liên quan đến việc nhiều hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường nhưng vẫn ra ngăn cản thi công, ông Hùng lý giải: "Đơn vị thi công tuyến đường làm rung, nứt nhiều nhà dân nhưng chưa thấy chủ đầu tư hay nhà thầu cam kết hỗ trợ, bồi thường nên họ mới phản ứng như vậy". Ngoài ra, ông Hùng còn cho rằng, việc gói thầu số 4 của dự án bị chậm là do năng lực nhà thầu yếu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, nhà dân ở xung quanh khu vực dự án đi qua bị rung, nứt, chủ đầu tư phải đền bù là chuyện đương nhiên, nhưng người dân vẫn ra cản trở thi công thì đó là trách nhiệm của chính quyền phải vào cuộc xử lý. "Ban QLDA 85 đã đi kiểm tra và thống kê đối với các hộ có nhà bị ảnh hưởng đồng nghĩa là họ đã cam kết đền bù. Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội cần tập trung chỉ đạo, vận động người dân tạo điều kiện, đồng thời lực lượng chức năng phải thường xuyên hỗ trợ và bảo vệ cho các nhà thầu thi công", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về trách nhiệm của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần rà soát, xem xét lại năng lực của các nhà thầu thuộc dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, đặc biệt là nhà thầu thi công gói thầu số 4."Nếu muốn thông xe kỹ thuật vào tháng 10 chắc chắn các đơn vị phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tôi đề nghị Bộ GTVT tập trung chỉ đạo, rà soát năng lực của các nhà thầu thuộc hai dự án, nếu cần thiết có thể loại bỏ nhà thầu yếu kém để thay thế bằng một nhà thầu khác nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Dự án xây dựng đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 6.742 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Trong đó, có 1.450 tỷ đồng thuộc tiểu dự án GPMB và tái định cư do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến thông xe kỹ thuật vào đầu tháng 10/2014.

Đình Quang (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.