Nhà ở xã hội đang là nhu cầu cấp bách của đại bộ phận cán bộ, viên chức TP.HCM, tuy nhiên chính sách đầu tư và cơ chế hỗ trợ cho vay vốn thiếu nhất quán đang là rào cản cho những nỗ lực phát triển loại hình này thời gian qua.
Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM: Vì sao bế tắc ?
Nhiều chung cư mới mọc lên ở TP.HCM nhưng phần lớn cán bộ công chức không “với” tới được.

Vay tiền - khó trăm bề


Hơn 10 năm ở nhờ nhà bố mẹ, rồi chuyển sang nhà thuê, chị Nguyễn Thị Thủy - cán bộ P.5, Q.Tân Phú đã nếm quá đủ những dư vị của một cuộc sống tạm bợ. Ước muốn có một căn hộ để ổn định cuộc sống, cho con cái có phòng riêng để học hành đã hun đúc vợ chồng chị bước vào cuộc hành trình đi tìm mua căn hộ. Tuy nhiên cuộc “truy tìm” căn hộ còn gian nan hơn cả thời gian sống của chị vừa qua. Chị tâm sự: “Để mua được căn hộ nhà ở xã hội thật không dễ chút nào bởi có quá nhiều thủ tục ràng buộc và các quy định mà mình không bao giờ đáp ứng được. Giá căn hộ loại trung bình ở một số quận huyện ngoại thành giờ đây cũng 600 - 800 triệu đồng, trong khi hạn mức cho vay 70% giá trị căn hộ nhưng tối đa là 300 triệu”. Ngoài ra, để được vay khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản như: có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, thời gian làm việc trên 3 năm, phải có khả năng tài chính trả trước 30% giá trị nhà và chứng minh nguồn thu nhập ổn định để trả vốn và lãi vay. Thời hạn vay tối đa 15 năm với mức lãi suất cho vay 1 năm là 9% theo quy định.


Một trong những quy định bất cập nhất gây nhiều ý kiến tranh cãi là diện tích nhà đang ở trung bình phải thấp hơn 8m2/người. Anh Trần Văn Thọ - cán bộ Q.6 phản ứng, gia đình anh thuê căn hộ 35m2 từ 3 năm nay, kế hoạch sang năm sinh thêm em bé nên cần phải có một căn phòng cỡ 50 - 60m2. Thế nhưng vẫn không được vay vì gia đình anh có 3 người hiện đang thuê một căn hộ rộng 30m2, trung bình 10,3m2/người lớn hơn so với quy định của Quỹ phát triển nhà ở.


Quy định khắt khe và bất hợp lý về các điều kiện mua nhà ở xã hội, thu nhập thấp đang là những rào cản khiến cho cơ hội để có được căn nhà như cánh cửa ngày càng hẹp dần. Trong các buổi họp trước đây bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc những bất cập trên, nhiều ý kiến đã được nêu ra. Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH, cần nới rộng điều kiện cho vay đối với người thu nhập thấp; bỏ quy định nhà đang ở bình quân dưới 8m2/người, nhất là đối với người ở nhờ, ở thuê; nên mở rộng đối tượng và nới rộng thời gian vay để người thu nhập thấp có thể vay 15 - 20 năm thay vì 10 năm như hiện nay. Số tiền vay cũng có thể nâng lên cao hơn để phù hợp với giá thị trường.


Dậm chân tại chỗ


Tại TP.HCM hiện nay, căn hộ trung cao cấp thì dư thừa và không có người ở, trong khi nhà ở xã hội lại thiếu trầm trọng. Nhiều ý kiến tháo gỡ đã được đưa ra nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM cho biết trong số 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã được đăng ký trên địa bàn, đến nay mới chỉ có 6 dự án đang xây dựng và 17 dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.


Chưa có chính sách khuyến khích đầu tư, khả năng thu hồi vốn chậm, đầu tư không có lời là những nguyên nhân chính khiến cho các DN ít tham gia vào loại hình dự án này. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: “Đối với chương trình nhà ở xã hội, Nhà nước phải thể hiện vai trò chính. Cụ thể, việc xây dựng chỗ lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên thì dứt khoát phải bằng nguồn lực của Nhà nước. Riêng với người có thu nhập thấp thì nên xã hội hóa bằng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn DN tham gia”. Đó là chưa kể đến tình trạng khi tham gia đầu tư xây dựng nhà thu thập thấp, các chủ đầu tư phải chủ động bồi thường GPMB, giá căn hộ thì do Nhà nước thẩm định, đối tượng được mua lại hạn chế và Nhà nước thì chưa có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các đối tượng này nên việc thu hồi vốn lâu.


Trao đổi với PV về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng: Cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng để phát triển nhà ở xã hội. Có những chính sách cụ thể định hướng điều tiết để thị trường BĐS phát triển đúng hướng nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân đối các phân khúc nhà ở như hiện nay.


Đồng tình quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Chính phủ nên ban hành chính sách thuế, cải tiến thủ tục cho DN tham gia vào lĩnh vực này, các ưu đãi cho DN và huy động nguồn vốn xã hội hóa. Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược phát triển nhà ở trên nền tảng cho đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công chức... tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho người dân.


Từ năm 2006 đến nay, Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM cho vay tổng số tiền hơn 217 tỷ với 790 khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà cho các đối tượng thu nhập thấp, nhà phục vụ tái định cư. Đây là con số quá ít so với nhu cầu hiện có khoảng 20 nghìn hộ CBCNV, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cần hỗ trợ vốn vay mua nhà.
Theo Phạm Đăng Giới (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.