Từ nay đến năm 2020, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương cần hơn 900 ha đất để làm nơi yên nghỉ cuối cùng

Việc UBND TPHCM vừa có chỉ đạo chính thức đóng cửa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) từ ngày 15-2-2011, trước mắt, tiến hành giải tỏa 10 ha làm trung tâm thương mại và 2 ha làm nơi lưu giữ tro cốt khiến thị trường đất nghĩa trang “nóng” dần lên, bởi nhu cầu cải táng hàng trăm ngàn mộ ở đây.

Hiện tại TP, loại hình đất nghĩa trang không còn nhiều khi mà nghĩa trang Bình Hưng Hòa đóng cửa, nghĩa trang Đa Phước cũng đã được lấp đầy giai đoạn 1 là 7,5 ha. Chủ đầu tư nghĩa trang Đa Phước hiện đang giải tỏa mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2 hơn 12 ha. Tuy giai đoạn 2 đang giải tỏa chưa xong, hạ tầng chưa được xây dựng nhưng chủ đầu tư đã đưa vào khai thác (do nhu cầu bức thiết).
Các nghĩa trang nhỏ ở quận 9, Thủ Đức, huyện Hóc Môn… cũng đã không còn chỗ trống. Điều này khiến những người có nhu cầu đổ xô về các khu vực vùng ven và các tỉnh lân cận mua đất cho người chết. Do vậy, không thể phủ nhận một điều là hiện đã xuất hiện tình trạng mua gom đất huyệt mộ, đất nghĩa trang để đầu cơ nâng giá kiếm lời, gây tình trạng bát nháo tại nhiều nơi mà các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm, ở khu vực tam giác TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai có khoảng hơn 60.000 người chết, với diện tích đất cần để làm nơi yên nghỉ khoảng 90 ha. Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, các tỉnh, TP đã và đang phải xây dựng nghĩa trang tập trung nhằm khắc phục phần nào nhu cầu thiết yếu nhất.
Vừa qua, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án xây dựng nghĩa trang ở xã Đông Thạnh, nghĩa trang nhân dân Đa Phước ở huyện Bình Chánh với quy mô 67 ha, nghĩa trang chính sách mới của TP ở huyện Củ Chi với quy mô khoảng 105 ha; tại Bình Dương, nghĩa trang công viên Bình Dương ở huyện Bến Cát được triển khai với diện tích khoảng

200 ha. Tại Đồng Nai, nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng tọa lạc tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu đang được triển khai với quy mô 116,24 ha... phần nào giải quyết nhu cầu bức bách của người dân trong khu vực Đông Nam Bộ.

Trong quy hoạch vùng TPHCM đến 2020 và tầm nhìn đến 2050, Chính phủ định hướng xây dựng các nghĩa trang tập trung theo dạng công viên với quy mô từ 200 – 300 ha khu vực xung quanh TPHCM. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang ở các khu vực TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai lên đến hơn 900 ha.
Do vậy, song song với việc quy hoạch những khu đô thị mới khang trang, hiện đại, các địa phương đã dành quỹ đất cho việc quy hoạch các nghĩa trang tập trung theo mô hình dạng công viên để nơi đây không đơn thuần chỉ để an nghỉ của người đã mất mà còn là nơi có khung cảnh văn minh, hiện đại và sạch đẹp.

Theo Ngọc Nga (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0