Thông tin Hà Nội muốn đổi gần 40ha “đất vàng” lấy gần 3 km đường đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố, Sở đang có kế hoạch làm 2,85 km đường từ Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3. Kinh phí dự kiến cho công trình này là 1.412 tỉ đồng. Để có số tiền này, cơ quan chức năng chủ trưởng chuyển giao 39,8ha đất ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho doanh nghiệp.
Theo tính toán, trung bình mỗi mét vuông ở ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm có giá chỉ khoảng 3,5 triệu đồng nếu chuyển đổi. Ảnh minh họa.

Giá rẻ bất ngờ

Nhiều người thấy khó hiểu khi lâu nay đất Thủ đô vẫn thuộc loại đắt nhất hành tinh. Vậy mà trong trường hợp này, theo tính toán, trung bình mỗi mét vuông ở đây có giá chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Làm có gần 3km mà có ngay trong tay 40ha. Mà vốn đầu tư của đa phần lấy dự án thường đi vay ngân hàng mới có tiền làm, theo cái kiểu “lấy mỡ nó rán nó” hay “tay không bắt giặc”.
Trong bối cảnh dân số đang gia tăng nhanh chóng, nếu chúng ta cứ đổi đất một cách rẻ mạt thì chẳng mấy chốc quỹ đất phục vụ nhu cầu của người dân, phục vụ các mục đích công cộng sẽ chẳng còn. Việc thu hồi đất đai của người dân rồi chuyển giao cho doanh nghiệp với giá bèo và sau đó doanh nghiệp lại bán ra chính mảnh đất đó cho người dân với giá cao không tưởng. Ai lợi, ai thiệt, hẳn chúng ta đã rõ?
Có thể nói, phong trào làm dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) bắt đầu nở rộ những năm gần đây. Đáng nói, ngoài dự án BT đường Lê Trọng Tấn, lãnh đạo Hà Nội cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án về hạ tầng giao thông khác theo hình thức BT như:
Dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP đầu tư Hải Phát đầu tư với kinh phí là 1.961 tỷ đồng.
Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư với kinh phí là 1.373 tỷ đồng.
Dự án Tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda quận Hoàng Mai do Công ty TNHH TM và DV KS Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng.

Có phải cách làm lâu dài?

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia bất động sản cho rằng: “Về cơ bản, làm các dự án BT là hình thức đầu tư ít rủi ro, vì nhà đầu tư triển khai xong là bàn giao ngay cho Nhà nước. Hơn nữa, nhà đầu tư được thanh toán bằng quyền sử dụng đất sạch”.
Cũng có người đặt vấn đề rất hay rằng: Tại sao người ta không chia lẻ để bán cho người dân mà lại nhẹ nhàng trao trọn cho một doanh nghiệp? Việc bán đất cho doanh nghiệp có thể diễn ra nhanh chóng, nhưng nó lại không thực sự hiệu quả.
Trước hết, giá đất bán cho doanhnghiệp rẻ đến bất ngờ, khiến cho nguồn thu bị giảm đi không phải là ít. Kế tiếp, còn khiến cho đất đai bị thâu tóm vào một bàn tay của ai đó. Khi đó, họ muốn làm mưa làm gió gì trên thị trường bất động sản cũng chỉ cần một cái “lật tay”, cũng đủ khiến cho mâu thuẫn trong xã hội nảy sinh.
Dù người viết vẫn phải thừa nhận hình thức BT hiện nay rất hiệu quả khi Chính quyền có đất nhưng thiếu tiền. Ngược lại doanh nghiệp có tiền nhưng thiếu đất. Nhưng, rõ ràng việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng không phải là một cách làm lâu dài.
Bởi, đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn, không thể “sinh sôi nảy nở”, nhưng dân cư thì lại gia tăng từng ngày. Việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng chỉ nên diễn ra ở những nơi nhiều đất, ít dân, cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng không có bất kỳ nguồn vốn nào để đầu tư.
Hà Nội đang cạn kiệt quỹ đất, trong khi nhu cầu của người dân luôn ở mức “nóng”. Những cuộc “trao tay” trên “đất vàng” có thực sự hiệu quả, cần thiết?
Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Sông Hàn (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.