ThS. Trần Hương Giang

ThS. Trần Hương Giang
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Nhân loại đứng trước sự công phá của thiên tai và nhân tai

22/01/2021 8:28 AM
ThS. Trần Hương Giang ThS. Trần Hương Giang
CafeLand - Đứng trên tầng cao của một tòa nhà để nhìn xuống mặt đất, tôi thấy dòng người chen chúc di chuyển như một đàn kiến lúc nhúc và bé xíu. “Đã bao giờ mình bước qua đàn kiến và suy nghĩ một chút về cuộc sống của chúng hay chưa?”, một ý tưởng bất chợt xuất hiện trong đầu tôi. Lúc này đây, với tôi, thân phận con người so với một chú kiến bé nhỏ không khác nhau là mấy.

Trong đại dịch Covid 19, mỗi ngày số ca nhiễm bệnh trên thế giới có thể tăng lên thêm hàng triệu người và số người chết theo thống kê đến thời điểm hiện tại đã hơn hai triệu. Con số khủng khiếp này ngoài việc thể hiện mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tính khẩn cấp trong công tác phòng ngừa lây nhiễm còn cho thấy sự mong manh của sinh mạng con người. Cứ tưởng tượng trong một đám đông giống loài người đang tồn tại trên mặt đất ấy, rất nhiều sinh linh đã kết thúc cuộc sống giống như những con kiến bị tiêu diệt khỏi đàn vì nhiều lí do khác nhau. Nhưng cả đàn kiến vẫn phải tiến về phía trước và tiếp tục cuộc sống của chúng.

Có lẽ đã đến lúc con người cần nhìn nhận về sự tồn tại của mình dưới góc độ giống loại hay một cộng đồng thống nhất hơn là chỉ một cá thể, tổ chức hay thậm chí là một quốc gia. Sự chia rẽ và cái tôi to lớn đang khiến chúng ta suy yếu và luống cuống, không biết nên làm gì để tiếp tục tồn tại. Trước sức công phá quá lớn của thiên tai và nhân tai, con người bỗng trở nên lạc lõng, cô đơn và yếu đuối hơn bao giờ hết.

Những năm về trước, tỷ lệ người chết vì thiên tai, dịch bệnh vẫn là một con số không hề nhỏ và như bất cứ một giống loài nào khác sống trên mặt đất, con người buộc phải chấp nhận điều đó như một quy luật cuộc sống khó ai có thể làm trái. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, việc phải sống chung với dịch bệnh quái ác và điều kiện sống tự nhiên khắc nghiệt từ biến đổi khí hậu, các trận thiên tai như động đất, bão lũ,… đã khiến số lượng người tử vong là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm để con người phải nhìn lại và đưa ra những đánh giá về bản chất sự tồn tại của chính họ và cách thức đối phó với thách thức trong điều kiện môi trường đã có sự thay đổi lớn.

Từ năm 2018 trở về trước, tỷ lệ người chết hằng năm trên thế giới liên tục giảm, dù tốc độ giảm nhìn về tổng thể có thể không lớn nhưng đã thể hiện được nỗ lực cải thiện chất lượng sống an toàn và lành mạnh hơn. Sự phát triển của khoa học, đặc biệt là ngành y tế đã nâng cao chất lượng sống, sức khỏe và tuổi thọ của con người. Những thành tựu liên tục gặt hái được khiến loài người trở nên tự tin trong quá trình kiểm soát cuộc sống của họ trên trái đất này. Con người được xem là giống loài thông minh và mạnh mẽ nhất, được trao chìa khóa làm chủ thế giới và thống lĩnh vạn vật.

Thế nhưng, trong hai năm gần đây, bánh xe phát triển của loài người đang kiêu hãnh lăn về phía trước bỗng nhiên bị đổ nhào ra sau. Năm 2019 dánh dấu bước ngoặt tỷ lệ người chết trên thế giới bắt đầu tăng và tốc độ tăng các năm sau đó lại có khuynh hướng cao dần. Dường như trước đây, trong những tiến bộ vượt trội, con người vẫn vô tình để lại một khiếm khuyết quan trọng nào đó, để rồi giờ đây, lỗ hổng ấy đang ngày một lớn dần, gây ra tác hại nghiêm trọng đe dọa sự tồn tại của chính họ.

Con người vốn có tính cá nhân hóa rất cao và đây chính là đặc điểm tạo nên sự độc đáo và tự tôn cho giống loài này. Mỗi con người là một cá thế riêng biệt, có những sở thích, tư duy và góc nhìn về cuộc sống khác nhau. Chính vì điều đó mà việc kết nối từng cá thể lại với nhau để tạo nên một bức tranh xã hội loài người có thể xem là một công trình vĩ đại của tạo hóa. Giờ đây, bức tranh đó cần được nâng lên một tầm cao mới, không những có khả năng kết nối các mối quan hệ và cộng tác trong các hoạt động giúp sinh tồn và phát triển, con người còn cần phải xây dựng cho mình một trí tuệ và kinh nghiệm mang tính cộng đồng loài người nhiều hơn là chỉ một vài cá thể hay nhóm người xuất chúng.

Nhìn lại quá khứ, xã hội loài người đã có những giai đoạn phải đối diện với sự khắc nghiệt của cuộc sống để tiếp tục sinh tồn và chìa khóa để vượt qua điều đó chính là trí tuệ và kinh nghiệm cộng đồng. Càng trải qua nhiều thách thức, xã hội loài người càng ý thức việc tổ chức bộ máy hoạt động khoa học hơn, từ việc sống riêng lẻ hay theo nhóm trong các hang động, con người đã biết cách tổ chức cộng đồng mình trở thành một tổng thể vững chắc và có tính phối hợp cao.

Và hôm nay, khi đứng trước một dịch bệnh đòi hỏi ý thức chung của nhân loại để có thể đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm và xây dựng được giải pháp đối phó, có lẽ một lần nữa những thay đổi của cuộc sống đang yêu cầu con người phải nâng cao trí tuệ cộng đồng. Con người không đứng ngoài quy luật sinh tồn của tạo hóa, nếu loài kiến bé nhỏ phải đối diện với những nguy cơ hủy diệt đặc thù của giống loài bé nhỏ và yếu ớt ấy thì loài người với sự thông minh và sắc sảo hơn ắt hẳn sẽ phải vượt qua những thách thức lớn lao và tương xứng hơn.

Trần Hương Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.