Mặc dù được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi trong chính sách đầu tư, việc xây dựng nhà giá thấp vẫn khiến các DN e dè. Tại sao vậy? Cuộc trao đổi với một số DN xung quanh vấn đề này sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.

Nhà giá thấp, làm được không?

Căn hộ mẫu 20m2 của Cty Đất Lành (TP.HCM)

Ông Lê Quốc Duy - Tổng giám đốc Cty CP nhà Hoà Bình

Hiện tại, Cty đang triển khai dự án nhà thu nhập thấp tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, với mức giá bán dự kiến từ 7 - 8 triệu đồng/m2. Giá khó có thể giảm thêm được vì hiện nay, riêng đơn giá xây dựng cho một chung cư có chất lượng trung bình đã là vào khoảng từ 5 - 6 triệu đồng/m2, chưa kể giá đất. Muốn có quỹ đất sạch hoặc đất rẻ thì phải về vùng sâu. Nhưng nếu về vùng sâu, nhiều khi chi phí thành phẩm của căn hộ lại cao hơn giá đất nền khu dân cư hiện hữu ven đô, nên DN không dám mạo hiểm đầu tư. Bên cạnh đó, hầu hết các DN cho rằng, muốn xây được nhà giá rẻ, cần có quỹ đất lớn và phải xây thấp tầng để kéo đơn giá xây dựng xuống thấp. Tuy nhiên, nếu làm theo cách này, quỹ đất lại không đáp ứng được, cho nên, rất khó thực hiện dự án nhà giá thấp.

Để có thể xây nhà ở giá thấp tại TP.HCM tương tự như VINACONEX xây ở Xuân Mai với giá từ 4 - 5 triệu đồng/m2, là rất khó khả thi. Bởi vì, các căn hộ này đã được xây dựng với nhiều lợi thế như: VINACONEX làm chủ công nghệ bêtông đúc sẵn của mình; khu vực sản xuất bêtông đúc sẵn ngay bên cạnh dự án; chi phí vận chuyển chuyên chở thấp; giá đất khu vực rẻ...

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Tổng giám đốc Cty Tư vấn BĐS Cen Group

Mỗi mét vuông đất ở vùng ven TP.HCM có giá hơn 15 triệu đồng. Nếu xây dự án căn hộ trên 10 tầng, tiền sử dụng đất tính trên mỗi mét vuông căn hộ cũng chỉ hơn 1 triệu đồng. Cộng với giá thành xây dựng khoảng 6 - 7 triệu đồng/m2 thì bán với giá khoảng 10 - 14 triệu đồng/m2, DN đã có lời.

Ông Phan Trường Sơn - Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 3

Các chủ đầu tư ở phía Nam có thể bán căn hộ giá thấp một phần vì họ là Cty tư nhân, trong khi đa phần các dự án căn hộ ở phía Bắc được các DNNN phát triển. Chính vì là DNNN nên họ mất nhiều thời gian để hoàn thiện các quy định về đầu tư, xây dựng hơn các Cty tư nhân, từ đó làm tăng chi phí dự án.

Để được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án BĐS nói chung, ngoài việc gặp khó khăn về thủ tục, mất nhiều thời gian, DN còn phải chi phí rất tốn kém và chịu nhiều biến động rủi ro trong thi công. Do đó, nếu chỉ lãi 10% trong thời gian dài đầy rủi ro, nên không DN nào dám thực hiện. Do đó, nếu xin được đất, nếu đầu tư vào dự án nhà ở thương mại, DN sẽ có lãi gấp hàng chục lần, tính thanh khoản cũng cao hơn so với làm nhà ở xã hội.

Theo Chí Kiên (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0