Một trong những lý do khiến cho nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại đổ vốn vào lĩnh vực ngân hàng chính là “room” hạn chế. Họ không hài lòng với mức room 30% hiện nay, bởi với mức này họ khó có tiếng nói quyết định tại ngân hàng. Điều họ muốn là mua quyền kiểm soát ngân hàng chứ không phải là đầu tư tài chính 20-30% cổ phần để lấy lợi tức. TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu kinh tế trưởng Tập đoàn Dragon Capital nhận định.
Đánh giá của ông về quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng thời gian qua?
Tái cơ cấu ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định. Cụ thể, năm 2012, nợ xấu của ngành ngân hàng ở mức khá cao, trong đó một số nhà băng nhỏ, yếu kém còn mất thanh khoản.
Thế nhưng, với các chính sách quyết liệt xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của ngành đã giảm từ mức hai con số trong năm 2012 xuống còn một con số cuối năm 2015 và đến nay vẫn được kiểm soát tốt.
TS. Lê Anh Tuấn
Bên cạnh đó, sở hữu chéo trong ngành ngân hàng cũng từng bước được xử lý một cách thận trọng trong quá trình tái cấu trúc. Cần nói thêm, sở hữu chéo luôn là vấn đề khá nhạy cảm, có tác động đến các ngân hàng. Nếu có động thái quá mạnh, hệ thống ngân hàng sẽ không đủ sức chịu đựng, nên cần làm một cách phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Theo ông, đây có là cơ hội cho nhà đầu tư, nhất là đối với cổ đông nước ngoài trong việc mua lại nhà băng nội?
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 là phải đẩy mạnh tái cấu trúc. Điều này có khả thi hay không phụ thuộc vào ý chí và thực sự chúng ta có muốn đánh đổi, quyết liệt để có một hệ thống ngân hàng vững chắc hay không. Đánh đổi ở đây, có nghĩa là Việt Nam có cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua trên 50%, hoặc thậm chí là 100% vốn của ngân hàng trong nước để họ nắm quyền chi phối, kiểm soát.
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, song đến nay vẫn chưa có nhà băng nội nào được bán 100% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư ngoại còn dè dặt đổ vốn vào ngân hàng?
Một trong những lý do khiến cho nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam hiện nay chính là “room” vẫn hạn chế. Nếu Chính phủ cho phép nới tỷ lệ tối đa 30% hiện nay sẽ tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ này vẫn dưới 50%, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khó có tiếng nói quyết định cùng HĐQT của các nhà băng trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng. Điều này đã được chứng minh qua thực tế ở một số ngân hàng Việt Nam có cổ đông chiến lược nước ngoài chiếm tỷ lệ 20%, song tiếng nói của họ chưa có tính quyết định.
Thực tế cho thấy, phần lớn các thương vụ mua - bán cổ phần ngân hàng, với tỷ lệ 20% trước đây đều khó thành công và không ít đối tác nước ngoài đã rút lui.
Vậy sắp tới, làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng có còn sôi động như thời gian qua?
Làn sóng M&A trong ngành ngân hàng trong thời gian tới chưa thể sôi động, do ít nhà đầu tư trong nước đủ tiền để mua một ngân hàng, còn đối với dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài hiện không dễ thu hút.
Mục đích của các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào hệ thống ngân hàng trong giai đoạn này cũng như tương lai là muốn mua “quyền kiểm soát”, chứ không hào hứng với tỷ lệ 20 - 30% đầu tư tài chính như trước đây.
Liệu có tình trạng một vài ngân hàng lớn sẽ phải “ôm” nhà băng nhỏ, yếu kém?. Không ít ý kiến cho rằng, nếu phải sáp nhập thêm nhà băng yếu kém sẽ kéo lùi sự phát triển của ngân hàng lớn, thưa ông?
Câu chuyện này đã khiến thị trường lo ngại cách đây 2 năm, khi có một số ngân hàng lớn phải sáp nhập thêm nhà băng nhỏ như BIDV sáp nhập MHB, VietinBank sáp nhập PGBank. Nhưng thực tế các ngân hàng này vẫn phát triển tốt sau khi sáp nhập nhà băng yếu kém.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, các thương vụ sáp nhập đó chủ yếu mang tính chất chính sách. Còn việc trong thời gian tới có tiếp tục sáp nhập ngân hàng yếu kém nữa không thì khó trả lời, bởi nếu chúng ta thay đổi biện pháp trong xử lý nhà băng yếu kém, như cho bán đứt chẳng hạn, thì không cần sáp nhập nữa.
Thùy Vinh (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.