Ngày 6.3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp thẩm tra sơ bộ dự án luật Nhà ở (sửa đổi). Dù đồng tình cho rằng cơ quan soạn thảo - Bộ Xây dựng đã bổ sung sửa đổi nhiều quy định mang tính tiến bộ nhưng vẫn còn không ít băn khoăn.

Hiện có rất nhiều chung cư cũ, xuống cấp nhưng việc cải tạo rất khó khăn (Trong ảnh: Một chung cư cũ ở Q.Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, quy định tại luật Nhà ở hiện hành chưa khuyến khích được kiều bào cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, từ đó hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, luật sửa đổi đã mở rộng về đối tượng và điều kiện được mua nhà. Đơn cử, quy định tại điều 155 của dự luật cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước, không phân biệt loại nhà và số lượng nhà được sở hữu. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi chính phủ) khi được phép vào Việt Nam làm việc, hoạt động thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chung cư và nhà ở riêng lẻ, kể cả nhà ở trong khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng quy định chỉ cần nhập cảnh là được mua nhà là quá dễ dãi nên cần phải siết chặt hơn theo hướng phải cư trú từ 3 tháng trở lên. Còn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cần coi bất động sản là một thị trường, chính sách phải làm sao tạo điều kiện, khai thông chứ không phải để hạn chế thị trường. Kinh nghiệm các nước phát triển cũng không hạn chế cho phép người nước ngoài mua đất, sở hữu nhà, vấn đề chỉ là quản lý, kiểm soát việc sử dụng. Từ đó, ông Thông đề xuất xem xét quy định như ở nhiều nước, tính thuế lũy tiến đối với căn nhà thứ 2 trở đi, mua mà không ở phải đánh thuế cao hơn.

Một trong những nội dung lớn được Bộ Xây dựng đặt ra khi sửa luật là quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình quy định của pháp luật về xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ khi bị xuống cấp, hư hỏng. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo và ông Lê Minh Thông đều cho rằng dự luật chưa làm rõ được tuổi thọ của khu chung cư là bao nhiêu năm thì không thể đặt vấn đề cải tạo bộ mặt đô thị. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích cơ quan soạn thảo đã mạnh dạn đưa nội dung này khi sửa luật Nhà ở nhưng thực tế cũng đang rất bí. “Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 2.000 bloc chung cư rất cũ nhưng việc cải tạo, sửa chữa đặc biệt khó khăn vì nhà đã bán cho người dân vô thời hạn nên việc thỏa thuận không dễ”, ông Dũng cho biết.

Thái Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.