Nếu như trong suốt năm 2010, nhà đầu tư nước ngoài miệt mài mua gom cổ phiếu trên TTCK VN, thì ngay trong tháng 2/2011, dấu hiệu bán ròng đã xuất hiện trên sàn HoSE. Liệu giới đầu tư nước ngoài đang âm thầm rút vốn hay đơn thuần chỉ là sự dịch chuyển của dòng tiền ?

Xem xét cụ thể động thái của khối ngoại, có thể thấy nguy cơ rút vốn là chưa xảy ra, song tâm lý thận trọng cũng bắt đầu xuất hiện.

Tìm kiếm cổ phiếu hấp dẫn

Cùng với đó là động thái chốt lời và tìm kiếm cơ hội đối với những cổ phiếu đang ở mức giá hấp dẫn.

Thứ nhất, động thái bán ròng bluechips trên HoSE. Nếu như cuối năm 2010, khối ngoại mua vào góp phần đỡ chỉ số VN - Index thì việc họ bán ròng trong những phiên gần đây không khỏi gây hoang mang cho giới đầu tư nội. Tuy nhiên khối này không ào ạt bán mọi cổ phiếu. Đối tượng bán ròng là những bluechips đã tăng mạnh trên HoSE như BVH, VCB, VIC... và động thái bán ròng được đánh giá là chốt lời. Cũng phải nói thêm, cách thức bán của khối này khá ồ ạt và “mạnh tay”. Điều này cho thấy quyết tâm xả hàng và đưa giá cổ phiếu về mức thấp. Rõ ràng mua – bán bluechips vẫn là lựa chọn của khối ngoại khi giao dịch trên HoSE và dự báo họ sẽ quay lại mua vào khi giá cổ phiếu về đến ngưỡng hấp dẫn.

Thứ hai, dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển sang HNX. Tính từ đầu tháng 2/2011 đến 18/3/2011, khối ngày đã bán ròng hơn 225 tỉ đồng trên HoSE trong khi thực hiện mua ròng khoảng 288 tỉ đồng trên HNX. Tại sàn Hà Nội, lựa chọn của khối này là những cổ phiếu có hệ số đo lường biến động giá lớn hơn bình quân thị trường hoặc đang ở mức giá thấp với hệ số P/E hấp dẫn. Có thể kể đến những mã cổ phiếu được mua mạnh trên HNX gồm: VCG (có hệ số beta 1.42), PVX (có hệ số beta 1.14, P/E 2010 ở mức 5.6) và một số cổ phiếu nhóm chứng khoán (hiện có P/E rất thấp). Như vậy, chiến thuật rủi ro dự kiến càng lớn – lợi nhuận kỳ vọng càng cao đang được khối này sử dụng trên HNX.

Vốn ngoại giải ngân thận trọng

Nếu như cuối năm 2010, vốn FII có dấu hiệu quay trở lại mạnh mẽ thì đầu năm 2011, dòng vốn ngoại có dấu hiệu thận trọng và e dè hơn. Đó là bởi cả nguyên nhân khách quan: bối cảnh thế giới, cùng nguyên nhân chủ quan: những bất ổn từ kinh tế trong nước.

Về tình hình vĩ mô trong nước: chỉ trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt các biến số chính của kinh tế VN như CPI, tỉ giá, lãi suất... biến động mạnh. Sau khi tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu, CPI tháng 3 của cả nước đã tăng 2,2% kéo CPI 3 tháng vượt 6 %. Lãi suất cho nghiệp vụ thị trường mở liên tục gia tăng. Lãi suất huy động VND của các NHTM cũng thường trực cơ hội tăng cao. Yếu tố hạt nhân cơ bản của thị trường chứng khoán là các doanh nghiệp liên tiếp gặp khó khăn. Tỉ giá USD/VND được điều chỉnh mạnh tăng thêm 9,3%. Điều này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận nhà đầu tư trường vốn, nguồn vốn USD còn dồi dào để giải ngân, mặt khác lại đe dọa rủi ro cho nhà đầu tư ngoại trong trường hợp rút vốn, bởi yếu tố tỉ giá ở VN hiện khá nhạy cảm, vẫn còn có khả năng tỉ giá USD/VND sẽ được điều chỉnh.

Về bối cảnh thế giới: Thứ nhất, bất ổn khu vực Trung Đông – Bắc Phi liên tiếp xảy ra trong khi giá dầu trên thế giới liên tục leo thang. Đỉnh điểm, vào cuối tháng 2, giá dầu thô Brent trên thị trường London lên tới 110 USD/thùng – mức cao nhất trong hai năm trở lại đây. Là nguồn nguyên, nhiên liệu chính cho hàng loạt nhu cầu sản xuất – tiêu dùng, giá dầu tăng khiến bóng ma lạm phát bao trùm kinh tế thế giới. Thứ hai, trong khi giao tranh tại Trung Đông chưa kịp lắng xuống, thế giới một lần nữa đối mặt với ảnh hưởng từ thảm họa kép tại Nhật Bản. Bản thân Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chịu thiệt hại lên tới 180 tỉ USD (theo ước tính của Credit Suisse và Barclays). Cùng với đó là hàng loạt những ảnh hưởng ở phạm vi rộng hơn trên các mặt xuất nhập khẩu: lưu chuyển hàng hóa thế giới; thị trường tiền tệ: tỉ giá, lãi suất... Những thiệt hại này hiện chưa thể ước tính được con số cụ thể. Những bất ổn này đã nhấn chìm chứng khoán thế giới. Hiện mối lo ngại lớn đối với chứng khoán toàn cầu là động thái rút vốn của nhà đầu tư để tìm đến những địa chỉ an toàn hơn.

Như vậy, động thái hiện tại của khối ngoại vẫn là luân chuyển vốn giữa các cổ phiếu. Để thu hút được dòng vốn ngoại, đặc biệt với mục tiêu dài hạn, thì trước mắt các chính sách vĩ mô của Chính phủ phải dần phát huy được tác dụng, đồng thời môi trường đầu tư gián tiếp của VN cần nhanh chóng được cải thiện, tạo cơ hội cho giới đầu tư nước ngoài.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland