Trước thời điểm thực hiện giải pháp thắt chặt tín dụng những tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu trầm lắng.
“Cò” đẩy giá đầu năm

Đông Anh được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển đô thị, đặc biệt khi hạ tầng giao thông khu vực này đang được Thành phố Hà Nội chú trọng đầu tư. Đã có khá nhiều những công trình trọng điểm như đường 5 nối dài, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, …cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì mới nối khu trung tâm với khu vực Gia Lâm, Đông Anh, bên cạnh đó cầu Nhật Tân đang được xây dựng.

Bên cạnh đó, với định hướng quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Đông Anh được quy hoạch là khu đô thị thương mại, tài chính, dịch vụ,…của Thủ đô. Cùng với đông thái đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực phía Đông Bắc Hà Nội được đẩy mạnh, đã tạo điều kiện cho giới “cò” đất đẩy giá đất nơi đây lên quá cao so với thực tế.

Tháng 1 năm 2011, khu vực Tiên Hội xã Đông Hội giá đất khoảng 27 triệu đồng/m2, sau đó gần 1 tháng giá đất được đẩy lên khoảng 5-6 triệu đồng/m2

Có những nơi gần cầu Thăng Long, khu vực Hải Bối, Vĩnh Ngọc do có cầu Nhật Tân bắc qua nối với khu Tây Hồ Tây, đất khu vực này không ngừng được thổi lên. Tháng 3 năm 2011 những mảnh đất có mặt đường lớn như khu vực đường dẫn cầu Nhật Tân, giá đất có nơi lên đến 70-80 triệu đồng/m2.

Đất thổ cư thời điểm đầu năm 2011 thuộc các xã khu vực này thường dao động trung bình từ 20 – 50 triệu đồng/m2, tăng gần như 2-3 lần so với năm 2010.

Mắc kẹt đất Đông Anh

Kẻ hưởng lợi, người mắc kẹt

Sau đợt sốt giá, sôi động do “cò” đất đẩy lên vào đầu năm 2011, giao dịch đất Đông Anh hiện nay lại rơi vào thực trạng trầm lắng, khó khăn trong giao dịch.

Thời gian khoảng một tháng gần đây, thị trường khu vực Đông Anh bắt đầu hạ nhiệt. Khi đó, những nhà đầu tư khôn ngoan, nắm bắt được thị trường đã “ra hàng” từ khi thị trường còn đang lên “cơn sốt” thì lại thắng lớn khi bán ở mức giá cao gấp 2-3 lần so với lúc đầu tư ban đầu.

Đối tượng này thường là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ nắm bắt được quy luật của thị trường, cũng như dự báo được phần nào diễn biến của thị trường.

Qua khảo sát một số khu vực phía Đông đều cho thấy, khu vực này thị trường hạ nhiệt đi rất nhiều so với tháng 3 năm 2011. Giá đất một số khu đã chững lại, và giao dịch gần như không có. Trong thời gian khoảng một nửa tháng gần đây, một số khu như Phương Trạch, Ngọc Chi thuộc xã Vĩnh Ngọc đã chững lại hẳn, và rất có thể sẽ giảm giá trong thời gian tới khi giá đất ở khu vực này đã bị đẩy lên quá cao, hiện giá chào bán đang ở mức khoảng 30-37 triệu đồng/m2 (đất trong đường làng), khu mặt đường lớn vẫn giữ ở mức cao khoảng 67 triệu đồng/m2.

Đất tại thôn Mạch Lũng, Đại Mạch khoảng 17-20 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí, thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, Đông Anh diện tích 36.4m2, mặt tiền hơn 4m, hướng Đông nam, có sổ đỏ được chào bán với giá 26,5 triệu đồng/m2.

Nhân viên nhà đất một số khu vực này cho rằng, thị trường hiện nay rất trầm lắng, người gửi bán thì nhiều, chứ người mua thì ít. Trước đấy khoảng 3 tháng thị trường khá sôi động, theo giải thích của “cò” đất nơi đây thì do đầu năm nhiều người e sợ lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá nên họ đã rút tiền từ ngân hàng để đi mua đất, coi đó là nơi trú chân an toàn. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều nhà đầu tư đã dùng tiền vay để đầu tư “lướt sóng” khi thị trường “sốt”, tuy nhiên, hiện nay thanh khoản của thị trường rất thấp và cũng đã có khá nhiều người đầu tư bị mắc kẹt khi đầu tư vào đất khu vực này.

Theo Báo cáo về tình hình thị trường BĐS mà Bộ Xây dựng vừa gửi lên Thủ tướng, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Đến 31/12/2010, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với 31/12/2009 ( tương đương với mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cùng thời kỳ là 23,87%).

Tuy có phân định được tỷ lệ vay của các loại hình bất động sản, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, bất động sản nghỉ dưỡng ...) dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ, thị trường 'bong bóng' thường xuất phát từ phát triển quá nóng các bất động sản cao cấp.

Bộ Xây dựng cho rằng, để chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để chống đầu cơ. Cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay bất động sản đối với các tổ chức tín dụng.

Cuối tháng 2/2011, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 01 thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Giải pháp được đưa ra là giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.

Giới đầu tư cho rằng, với tỷ trọng dư nợ dưới 16% thì tín dụng đổ vào BĐS sẽ rất khó khăn, cùng với đó là lãi suất cao. Chính vì vậy, những tuần qua giá đất nền một số khu đô thị ở phía Tây Hà Nội đã có dấu hiệu giảm giá mạnh. Ngay cả đất thổ cư vốn dĩ giá rất ổn định thì giờ đây cũng đang phát đi những tín hiệu giảm giá ở những khu trước đầy tăng nóng như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm,…

Theo Phạm An (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0