Mặc dù, đất có nguồn gốc là đất ao vườn có từ trước những năm 1980, được sử dụng ổn định và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước tháng 10/1993 nhưng khi bị thu hồi để thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường 21m từ Quốc lộ 1B đến Khu đô thị mới Việt Hưng, nhiều hộ gia đình tại phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) lại chỉ được các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đền bù theo giá đất nông nghiệp, không được tái định cư…Sự việc trớ trêu này khiến không ít gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất

Đất ao vườn xen kẽ đất ở, sử dụng ổn định từ trước năm 1980.

Vừa qua, Pháp lý có nhận được đơn của ông Nguyễn Đình Nhật, có hộ khẩu thường trú tại tổ 6 phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) phản ánh: Gia đình ông Nhật có thửa đất tại số nhà 59 tổ 3 phường Phúc Lợi, Long Biên, Hà nội với diện tích 187.90 m2 tại thửa đất số 340, tờ bản đồ số 05, nguồn gốc sử dụng là đất ao, được bố mẹ tôi cho tặng từ năm 1993. Trên thửa đất đó có xây dựng một căn nhà cấp 4 (một gian) xây tường gạch 110, lợp ngói proximang và công trình phụ gồm 2 bể chứa nước xây gạch 110, bếp và nhà vệ sinh được xây dựng từ những năm 80 (nay bếp và nhà vệ sinh đã bị sập do ngập nước lâu ngày). Thửa đất đó được cho tặng và tách ra từ thửa đất của mẹ ông Nhật là bà Nguyễn Thị Nguyệt, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2870/QĐSD/324 do UBND huyện Gia Lâm cấp ngày 23/09/1993.

Số nhà 59 của gia đình ông Nguyễn Đình Nhật

Mặc dù đã sinh sống ổn định ở đây từ lâu nhưng do khó khăn về kinh tế nên đến năm 2005, ông Nhật mới có điều kiện để tách thửa và được UBND quận Long Biên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1402/2005/324/QĐ-UB. Năm 2010, do công trình san lấp mặt bằng của Vincom dẫn đến gia đình ông Nhật luôn sống trong tình trạng ngập lụt, hơn nữa do không có nơi ở nào khác nên gia đình ông Nhật đã phải chuyển đến ở nhờ nhà bố mẹ đẻ tại tổ 6 phường Phúc Lợi từ đó đến nay. Ngày 25/8/2011, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 4138/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 1B đến khu đô thị mới Việt Hưng. Sau đó, ngày 8/11/2012, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 5127/QĐ-UBND về việc thu hồi 67.446,5 m2 đất tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 1B đến khu đô thị mới Việt Hưng.

Đền bù theo giá đất nông nghiệp?

Đến ngày 17/12/2012, gia đình ông Nhật nhận được thông báo nhận tiền số 454/TB-UBND và quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 6300/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 và kèm theo phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng tuyến đường 21m từ Quốc lộ 1B đến khu đô thị mới Việt Hưng của UBND quận Long Biên. Theo đó, tổng số tiền mà gia đình ông Nhật được nhận là 54.434.626 đồng. Trong đó, tiền bồi thường hỗ trợ đất là 47.350.800 đồng, tiền bồi thường hỗ trợ công trình vật kiến trúc là 2.845.126 đồng, tiền bồi thường cây cối hoa màu là 3.675.000 đồng không được xuất tái định cư.

Ông Dương Đình Tình, Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi cho biết: Đây là đất do ông cha để lại từ xa xưa, đến thời điểm kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1992, chắc do lo sợ đóng thuế nên các hộ dân đã kê khai là đất ao, vườn. Nhưng thực chất, nguồn gốc của lô đất này là đất thổ cư.

Ông Nguyễn Đình Nhật bức xúc cho biết: “Theo giá đất tại khu vực phường Phúc Lợi hiện nay vào khoảng 30 triệu/ 1 m2 thì với mức bồi thường hơn 54 triệu đồng cho diện tích 187,90 m2, gia đình tôi sẽ không mua nổi 2 m2 đất để ở. Không những vậy, gia đình tôi còn không được đất tái định cư…nên sắp tới nếu các cơ quan chức năng của quận Long Biên tiến hành cưỡng chế thì gia đình tôi chỉ còn biết ra đường mà ngủ thôi”.

Ngày 12/12/2012, UBND quận Long Biên đã có thông báo số 454/TB-UBND về việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bán giao mặt bằng cùng với phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 1B đến khu đô thị mới Việt Hưng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật các ô đất hai bên đường) phê duyệt tại quyết định số 6300/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND quận Long Biên tới các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Ngay sau khi nhận được thông báo này, ông Nguyễn Đình Nhật đã làm đơn khiếu nại Quyết định số 6300 này và đề nghị UBND quận Long Biên phải bồi thường theo giá đất ở và xét giao đất tái định cư vì không còn chỗ ở nào khác. Sau đó, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, ngày 21/12/2012, ông Đỗ Huy Chiến, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên đã có tờ trình số 2300/TTr-UBND gửi UBND TP. Hà Nội về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 1B đến khi đô thị Việt Hưng.

Theo đó, UBND quận Long Biên đã đề nghị UBND TP. Hà Nội điều chỉnh giá bồi thường, hỗ trợ đối với đất ao sử dụng từ trước năm 1980, không có công trình nhà ở. Tờ trình nêu: “Căn cứ xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của UBND phường Phúc Lợi, một số hộ dân có thửa đất vườn ao do cha ông để lại, xen kẹt trong khu dân cư sử dụng từ trước những năm 1980, hiện trạng sử dụng ổn định không tranh chấp. Các hộ gia định đã nộp thuế sử dụng đất theo thuế đất ở nhiều năm nay. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nên các hộ gia đình chưa xây dựng nhà ở. Hiện nay Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã lập phương án bồi thường theo giá đất nông nghiệp 252.000 đồng/ m2. Để đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất và tiến độ thực hiện dự án UBND quận đề nghị UBND Thành phố chấp thuận hỗ trợ 50% giá đất ở liền kề đối với với các trường hợp đất ao, vườn nằm xen kẹt trong khu dân cư (theo điều 10 Nghị định 179/NĐ-CP ngày 3/12/2004). Đối với trường hợp có hộ khẩu thưởng trú tại phường Phúc Lợi bị thu hồi toàn hộ hoặc 1 phần đất ở mà diện tích ở ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng không đủ điều kiện xây dựng nhà ở theo quy định và đất đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ theo giá đấy ở nếu có cam kết và được UBND phường xác nhận không có sở hữu nhà, đất nào khác trên địa bàn phường và có nhu cầu tái định cư, có đơn đề nghị được tái định cư bằng giao đất thì được giao tái định cư tại quỹ đất tái định cư của dự án, diện tích giao đất thực hiện theo quy định tại Quyết định 108/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND Thành phố và phải nộp tiền sử dụng đất theo giá quy định nhân với hệ số điều chỉnh K = 1,2”.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Long Biên cho biết thì UBND quận Long Biên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía UBND TP. Hà Nội. Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: “Nếu xác định về nguồn gốc đất, thì đa số các hộ dân ở phường Phúc Lợi đều sinh sống ổn định từ trước những năm 1980, đáng nhẽ như gia đình ông Nguyễn Đình Nhật phải được bồi thường và tái định cứ mới đúng. Nhưng vì “vướng” vào cơ chế và Quyết định 108 của UBND TP. Hà Nội nên chúng tôi chẳng biết làm thế nào. Chúng tôi đã có tờ trình xin ý kiến của UBND Thành phố để cho người dân được bồi thường, tái định cư nhưng cho đến nay cũng không thấy Thành phố trả lời gì. Cũng mong các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn này và đề nghị UBND TP. Hà Nội có chính sách bồi thường, tái định cư thỏa đáng cho những hộ như hộ ông Nguyễn Đình Nhật”.

Mặc dù, người dân vẫn đang khiếu nại về cách đền bù chưa thỏa đáng của UBND quận Long Biên, nhưng ngày 12/4/2013, UBND quận Long Biên lại có Quyết định số 2035/QĐ-UBND về việc cưỡng chế khu đất của ông Nhật và đến ngày 4/5/2013 UBND quận tiếp tục có thông báo số 214/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất. Theo thông báo này, thì vào 8h30 ngày 15/5/2013, UBND quận Long Biên sẽ tiến hành cưỡng chế đối với gia đình ông Nhật. Điều đáng nói là trong khi những khúc mắc của người dân chưa được giải quyết thấu tình đạt lý và UBND TP. Hà Nội chưa trả lời về tờ trình của UBND quận thì nay UBND quận Long Biên lại ra quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân. Liệu quyết định này có vội vàng, khi đã cưỡng chế rồi thì những hộ gia đình như ông Nguyễn Đình Nhật sẽ đi về đâu, sống như thế nào?

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đợt cưỡng chế lần này, UBND quận Long Biên còn ra quyết định cưỡng chế số 2041/QĐ-UBND ngày 12/4/2013 và thông báo thời gian cưỡng chế là 8h30 ngày 15/5/2013 đối với diện tích 172,5 m2 trong tổng diện tích 177,4 m2 đất của bà Nguyễn Thị Nguyệt (bà Nguyệt đã mất nhưng chưa có ủy quyền cho ai đứng tên phần diện tích đất này) gửi tới những người thân của bà Nguyệt. Tuy nhiên, cũng giống như gia đình ông Nhật, mặc dù đất có nguồn gốc sử dụng từ trước những năm 1980 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993, có 1 ngồi nhà cấp 4 và các công trình phụ nhưng khi bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 1B đến khu đô thị mới Việt Hưng cũng chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp và không được tái định cư.

“Ngoài giá trị bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì các cơ quan chức năng phải hỗ trợ 70% giá đất thổ cư cho toàn bộ diện tích đất của gia đình tôi bị thu hồi bởi diện tích đất này được bố mẹ tặng và có nguồn gốc từ trước năm 1980 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 1993. Sau đó, năm 2005, gia đình tôi mới có điều kiện để tách thửa. Mặt khác, trên diện tích đất này còn xây dựng 1 căn nhà cấp 4, công trình phụ có khuôn viên, số nhà riêng thì theo quy định của pháp luật gia đình tôi đủ điều kiện để được được bồi thường và tái định cư”. Ông Nguyễn Đình Nhật khẳng định.
Đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội vào cuộc để trả lời sớm cho người dân hiểu, đồng thời có những chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư phù hợp để người dân có nơi sinh sống.

Theo khoản 2, điều 13 sửa đổi của Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP. Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội: Đất vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc tuyến đường giao thông, có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định, khi Nhà nước thu hồi thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm quy định tại bảng giá đất ban hành hàng năm còn được hỗ trợ bằng tiền theo quy định sau:

a) Mức hỗ trợ:

a.1. Bằng 70% giá đất ở trong cùng thửa đất có nhà ở của hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 15/10/1993 và có một trong các điều kiện được bồi thường theo giá đất ở;

a.2. Bằng 40% giá đất ở trong cùng thửa đất có nhà ở của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở không có giấy tờ từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và có một trong các điều kiện được bồi thường theo giá đất ở;

b) Diện tích hỗ trợ tính theo diện tích thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không quái 05 lần hạn mức giao đất ở mới tại địa phương.

Lạc Sơn (Pháp lý)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.