Đó là chia sẻ của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng với phóng viên bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Theo đánh giá ông Trần Hoàng Ngân, điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng thời gian qua có nhiều điểm tích cực. Trong đó, việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, những khoản nợ xấu nằm dưới dạng tài sản bảo đảm trước đây bị vướng thể chế, nhưng từ khi có Nghị quyết 42 thì xử lý dễ dàng hơn.
Điều quan trọng nhất là khi triển khai Nghị quyết 42 ý thức người đi vay được nâng lên. Khách hàng đi vay cũng thận trọng, tính toán trong quá trình vay vốn ngân hàng.
Về ý kiến cho rằng ở đâu đó xử lý nợ xấu vẫn khó khăn, theo ông Ngân, trong Nghị quyết 42 ghi rõ các Bộ, ban ngành, chính quyền, công an, tòa án các địa phương phải hỗ trợ vì vấn đề nợ xấu đã đưa vào nghị trường bàn bạc và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho thấy nợ xấu là vấn đề chung của đất nước, của nền kinh tế. Do đó, thời gian tới cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp ngành, địa phương thì nợ xấu mới được xử lý tốt hơn.
“Nói chung điều hành CSTT từ đầu năm đến nay đều đúng định hướng”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và cho rằng, chính sách đã hướng dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh.
Theo đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm tăng thấp hơn cùng kỳ, nhưng kinh tế tăng trưởng cao hơn, thể hiện sự hiệu quả trong sử dụng vốn. Bên cạnh đó, NHNN đã kiểm soát được tỷ giá, giữ được lãi suất ở mức thấp hỗ trợ doanh nghiệp.
“Đánh giá hiệu quả của CSTT là ở yếu tố tăng trưởng và lạm phát. Đặc biệt là lạm phát cơ bản đang được kiểm soát tốt cho thấy sự hiệu quả của CSTT”, ông Ngân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, điều hành CSTT thời gian tới cần lưu ý kiểm soát tín dụng bất động sản (BĐS) nhưng là kiểm soát ở lĩnh vực nóng, vay đầu cơ còn những lĩnh vực nhà ở nhu cầu thiết yếu thì vẫn có thể cho vay bình thường.
Mới đây, thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục có CSTT linh hoạt để kiểm soát lạm phát. Ông cũng đề xuất trong điều kiện hiện nay chúng ta không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mở rộng tín dụng, không để tín dụng tăng quá cao vì điều này sẽ tạo rủi ro và hiệu quả không tốt cho nền kinh tế trong tương lai.
Theo báo cáo NHNN vừa gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, thì nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng đều trong năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Đến ngày 27/4/2018, tín dụng tăng 5,05% so với cuối năm 2017, cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Đức Nghiêm (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.