Từ lâu, hình ảnh của người môi giới bất động sản được ví von là “cò” nhà đất nhằm ám chỉ họ không chuyên nghiệp, không trung thực, cơ hội và chụp giật. Thế nhưng, trên thực tế, người làm nghề này cũng gặp không ít thăng trầm mà chỉ có giới làm “cò” mới hiểu.

Vui buồn chuyện nghề “cò”

Nhiều người vẫn nhầm tưởng nghề môi giới bất động sản giống như một nhân viên bán hàng nhưng thực tế thì ngược lại. Người môi giới bất động sản là nghề tìm kiếm và kết nối giữa người bán và người mua. Họ sẽ được trả công theo một tỷ lệ nào đó trên tổng giá trị giao dịch được gọi là “hoa hồng”.

Tuy nhiên, có một số “cò” đã lợi dụng khoảng sơ hở của người mua và bán để "kênh giá" hay "cài giá" nhằm trục lợi.

Anh Tài, một “cò” bất động sản TP.HCM cho biết, muốn trụ được với nghề này thì không dễ, họ phải biết làm vui lòng cả người bán lẫn người mua và phải hiểu được luật ngầm trong giới “cò”.

Trên địa bàn quận nào thì "cò" quận đó hoạt động. Nếu có được những mối hàng trái tuyến, điều đầu tiên là phải đến thương lượng với "cò" đại ca của địa bàn.

Ngoài ra, “cò” cũng được phân chia thành nhiều cấp bậc tùy theo phân độ thị trường. "Cò" nhỏ dành cho những người mới vào nghề có mối quan hệ là những đối tượng thu nhập trung bình thì hoạt động ở cấp trung bình - tức là giới thiệu những miếng đất trong các con hẻm, nhà cấp 4.


Thị trường BĐS ngày càng phát triển thì nghề "cò" môi giới BĐS xuất hiện ngày nhiều hơn (Ảnh: nguồn Internet)

"Cò" chuyên nghiệp hay còn gọi là "cò" VIP, họ có thâm niên trong nghề và có mối liên hệ rộng thì hoạt động môi giới cũng được nâng tầm là những căn nhà cao cấp, miếng đất hàng trăm m2, mối lái những căn nhà mặt tiền hàng chục tỷ đồng. Nếu "cò" có được những căn nhà cấp lớn hơn, những miếng đất vài trăm m2 thì phải liên kết với "cò" chuyên nghiệp, "cò" VIP để thỏa thuận tìm kiếm người cần mua.

Bên cạnh đó, giới “cò” đất cũng cạnh tranh quyết liệt với nhiều chiêu thức và thủ đoạn khác nhau. Chẳng hạn, chỉ cần một khu đất được rao bán, ngay lập tức đã có hàng chục “cò” biết thông tin. Vì thế khi “cò” này tìm được mối bán thì đã có “cò” khác nhảy vào phá đám, rỉ tai khách hàng bằng những thông tin thất thiệt về khu đất như: “Đất đang tranh chấp đấy mà! Có người đã mất trắng tiền cọc vì định mua khu đất này... Sao anh (chị) dại thế, mua khu đất này coi chừng mất tiền oan đó!”…, nhằm triệt phá mối làm ăn của “cò” đã dẫn khách đến.

Chính từ những thủ đoạn của các tay “cò” đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh nghề nghiệp của “cò” chân chính.

Minh bạch thị trường: Do “cò” chuyên nghiệp

Môi giới bất động sản không đơn thuần là "dắt mối của người chán để bán cho người thích", mà thông tin của môi giới còn đóng vai trò quan trọng đối với sự minh bạch thị trường. Chỉ một tin đồn thất thiệt, rất có thể làm một tập đoàn lao đao, thậm chí sẽ có những doanh nghiệp đứng trên bờ vực ... phá sản. Nó có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản.

Khi việc hành nghề chưa tuân thủ theo một chuẩn mực chung thì việc mỗi nơi làm một kiểu, mỗi người làm một cách sẽ dẫn tới sự vận động khập khiễng của thị trường, khiến người dân chưa tin tưởng vào hoạt động của các sàn với vai trò là tổ chức tư vấn, trung gian môi giới trong giao dịch. Chính vì vậy, yêu cầu của thị trường đặt ra là cần có “cò” chuyên nghiệp.

Trên thực tế, “cò” cũng có 2 loại, loại “cò” hướng lợi ích vào bản thân của “cò” và loại “cò” hướng về lợi ích của khách hàng.

Loại “cò” hướng vào lợi ích khách hàng họ sẽ dùng hết khả năng của mình để thu thập thông tin thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, tín dụng ... Và vận dụng hết vốn kiến thức của mình để phân tích và đưa ra dự đoán về triển vọng của thị trường trong tương lai gần. Sau đó mới là hoạt động tư vấn hướng cho khách hàng về bất động sản tiềm năng đó.

Theo đó, một “cò” chuyên nghiệp sẽ được công nhận và nằm trong một tổ chức hẳn hoi. Họ có tính sáng tạo, khả năng giao tiếp và đàm phán tốt. Đặc biệt, họ cần có một tinh thần trung thực, chân thành, luôn cố gắng giúp khách hàng nắm được tình hình bất động sản một cách toàn diện và nhanh chóng.

Theo phòng phân tích CafeLand, để tránh gặp “cò” dởm khách hàng mua hay bán bất động sản nên vào Sàn giao dịch để được nhận thông tin minh một cách minh bạch nhất, thực tế nhất để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, chúng ta cần có cách nhìn khách quan hơn cho những “cò” làm ăn chân chính. Bởi hiện nay, những người hành nghề môi giới bất động sản đều phải học và được cấp chứng chỉ theo quy định, thì mới được hành nghề.

Đăng Thy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0