Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trước bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn Hà Nội đang nợ tiền sử dụng đất rất lớn, ngành này đã lập 3 đoàn kiểm tra làm rõ nguyên nhân chậm nộp.
Kiểm tra hàng loạt dự án BĐS nợ tiền đất

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho rằng vấn đề chậm nộp thuế của doanh nghiệp nói chính xác đó là sự chưa tuân thủ pháp luật, song cũng không thể cứng nhắc mà phải xem xét làm rõ nguyên nhân khó khăn của vấn đề.


Nếu doanh nghiệp chây ỳ thì sẽ có giải pháp đôn đốc, bởi theo Luật Quản lý thuế hiện nay, chúng ta đã có 7 biện pháp cưỡng chế. Tiền sử dụng đất cũng được quản lý theo ngân sách vì vậy cũng sẽ được thực hiện theo Luật Quản lý thuế.

Vấn đề thu tiền sử dụng đất bao gồm 2 loại là đất đấu thầu, đấu giá và Nhà nước giao đất. Khi doanh nghiệp đã đưa ra phương án kinh doanh nghĩa là đã phải có phương án nộp tiền sử dụng đất. Đối với loại đất do Nhà nước giao, đa số giá đất bằng giá công bố.

Theo ông Tuấn, hiện nay giá đất giao dịch trên thị trường đã giảm. Do khó khăn chung của nền kinh tế, các dự án BĐS trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu bán hàng, vì vậy việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng phụ thuộc nhiều yếu tố.


"Chúng tôi đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình từng dự án để đôn đốc. Nếu có khó khăn gì thì sẽ báo cáo lên trên xử lý" - ông Tuấn cho hay.

Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm, vấn đề trốn thuế không phải chuyện lạ bởi, từ khi luật thuế ban hành, nhiều đối tượng trốn thuế với... 1.001 lý do.


Luật thuế là chính sách lớn, trong thời gian qua cũng đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều cho phù hợp thực tế. Tương tự, với vấn đề nợ tiền sử dụng đất của doanh nghiệp cũng có rất nhiều lý do.

Ông Thi chia sẻ câu chuyện, một doanh nghiệp BĐS có phàn nàn rằng, ngành thuế lúc nào cũng chỉ nghĩ doanh nghiệp BĐS lúc nào cũng sinh lời. Nhưng trong kinh doanh có rất nhiều rủi ro, thua lỗ. Nhất là lúc thị trường ảm đạm như hiện nay chỉ "ngồi yên" đã là tốt lắm rồi.

Một doanh nghiệp BĐS có 2.000 tỷ đồng vốn tự có, phải vay thêm 2.000 tỷ nữa để đầu tư nhưng hiện nay giá đất giảm xuống 40%. Như vậy doanh nghiệp đó đã mất 1.600 tỷ - nghĩa là mất hết.

Đến năm thứ 2, cộng với thuế suất hơn 20% thì doanh nghiệp đó đang bị âm mấy trăm tỷ đồng. Như vậy chỉ trong 10-15 năm kinh doanh BĐS, doanh nghiệp đã bị quét sạch tiền. Vì thế, theo ông Thi, ngành thuế cũng phải xem xét cặn kẽ vấn đề để có phương án xử lý phù hợp.

Trước đó, báo cáo của nhiều Chi cục Thuế các quận huyện của Hà Nội cho thấy, số nợ tiền sử dụng đất và tiền phạt nộp chậm của các doanh nghiệp đầu tư BĐS trên địa bàn hiện lên tới cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, chỉ mặt nhiều tập đoàn, công ty BĐS và dự án tên tuổi gắn liền với những khoản nợ đến vài trăm tỷ đồng.

Theo Nguyễn Nga (Vef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.