Đúng một năm (kể từ tháng 11/ 2009 đến tháng 11/2010), giá vàng tại VN bỗng dưng lại lên cơn sốt lạ thường cùng với sự tăng của tỷ giá USD/VND. Phản ứng với cơn sốt giá này, dân chúng đã đổ xô đi mua vàng. Trong khi đó NHNNVN đã lại một lần nữa chuyển từ hạn chế nhập khẩu vàng sang cho phép nhập khẩu vàng khá thông thoáng.


Để hạ nhiệt cơn sốt giá vàng đầu tháng 11/2010,
VN đã ngay lập tức cho nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước

Một số quan điểm cho rằng nhập khẩu vàng sẽ giảm giá vàng trên thị trường, nhưng sẽ tác động đến tỷ giá. Một số thông tin lại cho biết lượng vàng còn dự trữ trong dân lên tới trên dưới 40 tỷ USD... Như vậy, dễ dàng nảy sinh câu hỏi là tại sao lại nhập vàng và làm thế nào để khơi thông nguồn vàng trong dân thành tài lực quốc gia ?

Đơn thuốc kê sẵn

Để hạ nhiệt cơn sốt giá vàng đầu tháng 11/2010, VN đã ngay lập tức có đơn thuốc đặc trị hoàn toàn giống như lần trước (11/2009), cho nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ứng phó cơn sốt đợt này, các nhà nhập khẩu sẽ dùng một lượng USD không nhỏ để nhập khẩu vàng. Tuy nhiên vấn đề hiện nay phải quan tâm là nhiều DN sản xuất lại không được ngân hàng đáp ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị hay để nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu cho dự án của mình. Theo giá hiện thời, nếu giá vàng lên 1.400 USD/Toz thì 1 kg vàng sẽ tiêu tốn 45.000 USD và nếu 1 tấn vàng sẽ tốn 45.000.000 USD. Theo ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm VN nhập khẩu 50 tấn vàng và tổng số vàng hiện nay được nhiều người ước là khoảng 1.000 tấn còn nằm trong két sắt của dân. Theo số trung bình đó, người ta cũng ước tính nếu năm 2010, VN cũng dùng số ngoại tệ cho nhập khẩu vàng lên tới 2.250.550.000 USD. Việc nhập khẩu vàng để can thiệp sẽ lại dẫn đến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu và sẽ lại gây áp lực thâm hụt thương mại và sức ép phá giá trong trung hạn.

Nhớ lại rằng, mấy tháng đầu năm 2009, VN đã từng xuất khẩu vàng (trị giá khoảng 3 tỷ USD). Điều đó đã đưa đến thặng dư cán cân thương mại, và người ta cũng cho rằng, việc “thiếu vàng” theo nghĩa nào đó đối với VN có khi cũng chẳng sao. Năm nay, số lượng nhập khẩu vàng cho can thiệp đợt sốt vàng tháng 11/2010 này sẽ góp phần làm tăng thêm thâm hụt thương mại vốn ước đã đến trên 13 tỷ USD. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, khi đất nước đang cần USD để nhập hàng cho sản xuất của khu vực sản xuất và khi tỷ giá đang quá nóng thì rõ ràng dùng ngoại tệ quá nhiều để nhập vàng về, cắt nhỏ ra và bán, để nó lại nằm im lìm trong túi người dân và 10 năm sau số vàng được tích tụ trong dân có thể lên tới vài ngàn tấn chứ không phải một ngàn tấn như báo giới mới đề cập gần đây.

Rõ ràng, nếu cho nhập khẩu vàng thật nhiều, giá vàng sẽ giảm trong chốc lát... nhưng sau đó lại gây áp lực lên giá USD và tất nhiên sau đó giá vàng trong nước lại tăng (tính theo VND)...

Cách đây không lâu, có ý kiến cho rằng nên loại vàng ra khỏi cán cân thương mại để giảm số liệu về thâm hụt cán thương mại hàng năm của VN. Về vấn đề này, ý kiến chuyên gia cho rằng người để nghị đã quên là nếu loại được “vàng ở cán cân thương mại” thì sẽ lại gặp “giao dịch vàng chu chuyển thay đổi dự trữ quốc gia của VN ở bảng cán cân thanh toán quốc tế. Khi đó, chuyển từ USD sang vàng bằng đúng số vàng nằm chết trong dân cư, từ chế độ lưu hoạt sang chế độ kém lưu hoạt hơn”.

Lúng túng chuyện chất lượng

Theo các chuyên gia, để vàng được giao dịch trên thị trường chính thức quốc tế và thông qua hệ thống ngân hàng (tài khoản) thì vàng đó phải được chấp nhận theo một tiêu chuẩn quốc tế chung. Chẳng hạn như ở Anh hay ở Thuỵ Sỹ vàng giao dịch đó là “vàng khối/miếng do một số hãng được công nhận sản xuất ra và là vàng đủ điều kiện giao dịch (Good Delivery gold bars )... Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng, NHTM chỉ có thể chấp nhận huy động vàng tiêu chuẩn quốc tế thì vàng sẽ được liên thông không chỉ trong nước mà còn cả thị trường vàng quốc tế.

Với VN, quy trình nhập khẩu vàng rất bất cập và khá đặc biệt. Nếu không tính khoản vàng nhập cho nhu cầu trang sức và nhu cầu khác (ước tính khoảng 25% lượng nhập khẩu), phần còn lại cho nhu cầu cất trữ dưới dạng vàng thỏi (khoảng 75%) - các nhà ngân hàng gọi là vàng tiền tệ.

Về chủng loại vàng, người có kinh nghiệm trong nhập khẩu vàng cho biết lượng vàng nhập khẩu vào VN trong 20 năm qua chủ yếu là vàng ba chìa khóa, hiệu SBC (Swiss Bank Corporation Gold Bars). Quan sát trên thị trường vàng trong nước cho thấy vàng miếng tiêu chuẩn quốc tế được nhập khẩu về và đem cắt vụn ra và dập lại, hoặc trộn với vàng thu gom khác dập, đúc lại thành vàng miếng, vàng khối miếng nhỏ theo nhu cầu thị trường VN.

Dạo trên thị trường vàng VN cho thấy, có rất nhiều nhãn hiệu vàng khác nhau và thông thường không ai chấp nhận vàng của ai sản xuất ra. Để khắc phục tình trạng này, hiện tại Hiệp hội vàng VN đang cố tác thành một tiêu chuẩn vàng VN nhưng dường như vẫn cần nhiều nỗ lực. Hiện tại khi bán vàng của hãng này cho hãng khác (hoặc cửa hàng này cho cửa hàng khác) người ta chấp nhận vàng khác tiêu chuẩn theo cách thức, nếu hãng này mua vàng của hãng khác thì đánh tụt hạng vàng xuống một bậc hay tương tự như vậy và hậu quả là người tiêu dùng phải chấp nhận thiệt thòi.

Tuy nhiên cũng có trong thực tế rằng các cửa hàng nhỏ đã gian lận vàng theo hình thức thấp tuổi đáng kể so với vàng yết giá, các hãng lớn thì chưa có vụ việc nào nổ ra (nhưng hiện không có lời bảo đảm nào chắc chắn). Việc đem vàng đến ngân hàng để gửi, cho vay... cũng gặp tình trạng tương tự, ngân hàng chỉ chấp nhận chủng loại vàng rất giới hạn của ngân hàng đó đúc ra hoặc Cty con (Cty mẹ) của ngân hàng đó sản xuất ra.

Vấn đề trung và dài hạn ?

Về mặt kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, dễ nhận thấy đó cũng là nguyên nhân tại sao, vàng hiện nằm chết ở trong dân chúng và nếu ngân hàng huy động cũng khó và nếu có thì các chi phí đi kèm cũng rất lớn (phí kiểm định, phí quy đổi đồng hạng...). Cách đây hàng chục năm về trước, có chuyên gia tâm huyết về tài chính ngân hàng cho rằng “VN đã nghèo lại lãng phí ngoại tệ” với hàm ý về cảnh tượng trên, cứ hàng năm, đất nước bỏ ra hàng tỷ USD đổi lấy vàng tốt và rồi chuyển đổi thành thứ vàng không đủ tiêu chuẩn, rất công dụng cho từng gia đình nhưng lại kém giá trị cho công cuộc xây dựng đất nước.

Làm thế nào để tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu và khơi thông nguồn vàng còn nằm chết trong tay người dân đang là vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn với VN.

Chắc chắn con số mà ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đưa ra 1.000 tấn vàng nêu trên là có độ tin cậy cao. Vì năm 2008, con số từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cũng đưa ra khoảng gần 90 tấn vàng tiêu chuẩn quốc tế được nhập vào VN. Và như vây, lượng vàng trên dưới 1.000 tấn vàng, tương đương khoảng 40 tỷ USD đến 45 tỷ USD (theo thời giá 1.300 -1.400 USD/Toz) và đó là một lượng tài chính không nhỏ đang tồn tại trong dân và bằng khoảng 40-45% GDP của VN vào năm 2009. Ông Lê Đức Thúy cũng đã từng bày tỏ với báo giới rằng “Đây là một lượng vốn quan trọng mà nếu không được đưa vào lưu thông chính thức thì hoặc là sẽ nó nằm im, không sinh lời, hoặc sẽ lưu chuyển trên thị trường tự do, rất khó kiểm soát. Do đó, vấn đề quản lý thị trường vàng cũng cần một giải pháp tổng thể và đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu”.
Như vậy, làm thế nào tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu và khơi thông nguồn vàng còn nằm chết trong tay người dân đang là vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn đối với VN. Gắn với một số chỉ tiêu quan trọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội VN 2011 đến 2015 như có chỉ tiêu hàng năm tổng đầu tư toàn xã hội vẫn là khoảng 40% GDP (khi tiết kiệm trong nước khoảng 30% GDP), nợ công và nợ chính phủ (có chiều hướng gia tăng sẽ gây áp lực lên lãi suất thị trường trong nước...) nếu khơi thông được nguồn tài lực vàng này và đi đôi với tiết kiệm ngoại tệ thì chắc chắn sẽ không có các cơn sốt vàng, sốt USD làm khó cả dân cả nước định kỳ như hiện nay...
Cafeland.vn - Theo Ths Lê Văn Hinh (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland