Giá đất nền tại một số khu vực ở Hà Nội giảm sút khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng đứng ngồi không yên. Nhiều người buộc phải “tháo chạy” khỏi cuộc chơi do không chịu được áp lực lãi suất tăng cao.
Khổ vì đất nền
Giá đất nền tại một số dự án Tây Hà Nội giảm 5-10% so với 3 tháng trước

Dọc quốc lộ 32 những ngày nắng nóng cuối tháng 5, những tấm biển của các trung tâm môi giới bất động sản vẫn chi chít. Thế nhưng, bên trong các trung tâm ấy tình trạng vắng vẻ đã diễn ra suốt cả tháng nay.

Tạt vào một quán nước đầu phố Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, nơi được coi là “trung tâm thông tin” về giá cả đất đai ở khu vực này, trong vai người đi mua đất, chúng tôi bỗng dưng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của đám đông với những lời chào mời mua đất hết sức hấp dẫn: từ 40 đến 45 triệu đồng/m2. Nếu giới thiệu được người mua cũng sẽ được hưởng hoa hồng 5-10%, tùy diện tích từng lô đất. Trước đây chỉ 2 tháng thôi, những mảnh đất như thế này được rao bán với giá 55 đến 60 triệu đồng/m2.

Lần theo chỉ dẫn của một tờ rơi, chúng tôi tìm đến chị Phượng, chủ nhân của một số lô đất quanh khu vực dự án Kim Chung - Di Trạch. Chị bảo, 4 tháng trước chị gom hết số vốn trong nhà, thế chấp cả căn hộ ở The Manor để vay vốn ngân hàng mua 1 lô đất ở dự án Kim Chung - Di Trạch và 1 lô ở dự án Tân Tây Đô. Chị Phượng cho biết đã phải bỏ ra 56,5 triệu đồng/m2 cho lô đất ở Kim Chung, còn căn nhà liền kề 2 mặt đường nhỏ ở Tân Tây Đô thì chị phải trả tới 61 triệu đồng/m2. Nay giá xuống đất, lãi suất ngân hàng lên cao, hai vợ chồng chị lúc nào cũng “xoay như chong chóng” lo tiền trả lãi vay. Chị cho biết vừa phải bán tống bán tháo suất đất trong dự án Kim Chung - Di Trạch với giá 48,5 triệu đồng/m2 để lấy tiền trả nợ ngân hàng. “Tiếc đấy, nhưng mấy người bạn tôi cũng vừa phải bán mấy lô mà giá còn không được đến thế ấy chứ”, chị cho biết.

Không may mắn như chị Phượng có sẵn ít vốn lận lưng, chị Thanh ở quận Đống Đa, Hà Nội, đang phải chạy đôn chạy đáo để trả nợ cho gánh nặng của khoản vay mua đất dịch vụ từ mấy năm trước. Vốn là một cán bộ nhà nước, lương cả hai vợ chồng đều “ba cọc ba đồng” nên chị hy vọng có thể đổi đời nhờ buôn bán đất đai. Bán mảnh đất ở quê được vài chục triệu đồng, vay mượn thêm anh em họ hàng, chị mạnh dạn mua 1 sào (360m2) đất dịch vụ ở huyện Hoài Đức. Những tưởng may mắn nhanh tay mua được đất trước khi Chính phủ áp dụng quy chế đền bù mới (những người dân bị lấy ruộng để làm dự án chỉ được đền bù bằng tiền mặt chứ không được đền bù bằng đất nữa, vì vậy những mảnh đất dịch vụ như của chị Thanh ngày càng hiếm), thế nhưng, mới đây đi làm sổ đỏ thì chủ đất nhất định không chịu ký sang tên nếu chị không trả thêm 30% giá trị của mảnh đất tính theo thời điểm hiện tại. “Chủ đất nói với tôi là anh ta đã bị thiệt khi bán đất cho tôi vào thời điểm quá rẻ. Giờ giá đất đang cao, nếu bán đi tôi sẽ lãi gấp mấy chục lần lúc mua nên cần phải chia lại cho anh ta”, chị Thanh bức xúc. Đâm lao phải theo lao, chị phải đi vay nặng lãi của một số người quen, nghĩ bụng sau khi làm xong sổ đỏ sẽ bán đất luôn để trả nợ. Thế nhưng gần 3 tháng nay, sổ đỏ chưa làm được, giá đất lại giảm sâu, gánh nặng nợ nần đang khiến chị lao đao.

Trong khi các nhà đầu tư đất nền khác đang rơi vào tình trạng giữ cũng dở, bán không xong, thì anh Khánh (Bắc Ninh) lại gặp đủ các loại phiền toái vì… trót bán được đất. Bỏ ra 800 triệu đồng mua 100m2 đất ở khu vực Sóc Sơn, do cần tiền để mua một mảnh đất ngay sát bên cạnh dự án Phú Trường An (Bắc Ninh) nên anh rao bán lại với giá 8,2 triệu đồng/m2, nhưng chưa có ai trả đến bằng giá gốc. Hết dán tờ rơi lại rao trên mạng, cuối cùng anh cũng bán lại được mảnh đất cho một người quen với giá… bằng đúng giá gốc. Nếu tính trượt giá và lãi ngân hàng trong mấy tháng thì anh bảo đã lỗ nặng. Nhưng vì giá thị trường không lên, thậm chí đang đà đi xuống, nên với anh, đó là mức giá có thể chấp nhận được. Khổ nỗi, người quen của anh - sau khi mua - đã năm lần bảy lượt xin bớt, nhất định không trả nốt số tiền còn lại, thậm chí còn “oán” anh “đẩy” đất xấu cho họ.

Theo Diệp Anh (Doanh Nhân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0