Vậy là hai khách hàng Trần Bình An và Phạm Đặng Diệp Linh tiếp tục phải chờ đợi trong hành trình đòi lại 11 tỷ đồng đã nộp để mua 4 căn hộ tại Dự án N04-UDIC Complex tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong một diễn biến mới nhất, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa hoãn lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện đối với CTCP Tưvấn Kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC). Nguyên nhân do… bị đơn và các bên liên quan khác vắng mặt!

Tình tiết của vụ việc này thực tế khá rõ ràng. Vào tháng 6/2011, hai khách hàng trên tìm đến UAC (công ty con của Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị - UDIC) ký hợp đồng mua 4 căn hộ tại dự án trên với tổng giá trị hơn 15,7 tỷ đồng. UAC là 1 trong 4 bên thuộc liên doanh chủ đầu tư dự án này. Người giao dịch trực tiếp bên phía UAC là bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch HĐQT, đại diện cho phần vốn của công ty mẹ UDIC và là đại diện pháp luật của UAC.

Tức là bà Mai hoàn toàn có thẩm quyền thay mặt UAC ký hợp đồng với khách hàng!

Ngay sau khi ký hợp đồng góp vốn, ông An và bà Linh đã chuyển cho UAC số tiền trên 11 tỷ đồng ngay tại trụ sở của Công ty; 20% còn lại dự kiến sẽ nộp sau khi Dự án đủ điều kiện bàn giao vào năm 2014.

Thế nhưng, đến đầu năm 2013, sau khi tá hỏa phát hiện UAC không còn là một bên trong liên doanh chủ đầu tư, hai khách hàng trên đã tìm đến UAC để “hỏi cho ra nhẽ”. Nhưng câu trả lời từ Tổng giám đốc UAC hiện tại là ông Nguyễn Đình Thanh còn khiến họ “chết đứng” hơn. Rằng UAC không chịu trách nhiệm với các hợp đồng do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phương Mai đã ký kết trước đó.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Thanh cho biết, UAC “không thấy các hợp đồng này nộp tiền vào, nên không thể bàn giao cho phía liên doanh, cũng không thể trả lại tiền”.

Hỏi đến bà Mai, người có trách nhiệm tại UAC cho biết, bà này hiện không còn là Chủ tịch Công ty, không đại diện phần vốn của UDIC tại UAC… Và “các hợp đồng khách hàng đã ký với bà Mai trước đó là quan hệ của các cá nhân, không liên quan đến UAC”.

Nhưng có đúng bà Mai tự làm thì phải tự chịu!?

Theo Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, ông An, bà Linh ký hợp đồng với UAC, chứ không phải với cá nhân bà Mai. Việc bà Mai không nộp tiền vào UAC, Công ty có thể tố cáo bà Mai, nhưng đó là câu chuyện nội bộ và phải được xử lý trong một vụ việc khác. Còn trong vụ kiện dân sự vừa bị hoãn đến ngày 27/3 tới, pháp nhân UAC phải đứng ra xử lý.

Xét thêm về lý, Điều 93, Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”.

Vụ việc này điển hình cho câu chuyện chối từ trách nhiệm pháp nhân bằng cách quy lỗi cho một vài cá nhân và đáng nói là, nó đang rất phổ biến hiện nay!

Nhìn sang TTCK, rủi ro vận hành, tức là rủi ro mang tính nội bộ, như nhân viên gian lận, môi giới giả mạo chữ ký khách hàng hay của công ty để rút tiền… được cho là 1 trong 6 loại rủi ro phổ biến nhất trong hoạt động của CTCK. Tuy nhiên, khi nó xảy đến, cách xử lý thường là… đá bóng trách nhiệm sang các cá nhân!

Đã có hàng loạt vụ việc NĐT “bỗng dưng mất tiền” tại Tràng An, Đại Việt, SME..., hay cổ phiếu “không cánh mà bay” tại CTCK Mê Kông… Nhưng trong đa số vụ, sẽ có một vài cá nhân được “gọi tên” để lãnh trách nhiệm hình sự, thay vì trách nhiệm dân sự của các CTCK…

Còn nhớ, gần 2 năm trước, tháng 10/2012, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) đã lên tiếng đề xuất thành lập Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT. Ông Hải cho rằng, đây là phương án khả thi, chứ không quá phức tạp… Và quan trọng là rất cần thiết!

Vậy thì trên thị trường bất động sản, liệu có nên đề xuất thành lập một cơ chế quỹ bảo vệ khách hàng đã đóng tiền mua nhà tại từng dự án? Nguồn tài chính của quỹ này có thể trích ra từ khoản tiền chủ đầu tư đã thu và quỹ sẽ tự động giải tán, tiền sẽ về với chủ dự án khi tất cả hợp đồng mua bán nhà được khách hàng và chủ đầu tư thanh lý…

Chỉ có băn khoăn rằng, cũng như trên TTCK, khi đề xuất thành lập công ty để bảo vệ NĐT, chắc ông Hải cũng biết rằng, trong Luật Chứng khoán 2007 đã quy định rất rõ một cơ chế để thực hiện việc này. Đó là Quỹ bảo vệ NĐT! Nhưng như chúng ta đều biết, sau 7 năm, chưa hề có một văn bản hướng dẫn nào cho việc thành lập quỹ này.

Và các NĐT, khách hàng “bỗng dưng mất tiền” nhiều khi chỉ còn nước “bắc thang lên hỏi ông trời…”, khi các pháp nhân chuyền rất khéo quả bóng trách nhiệm!

Trọng Hiếu (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.