Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Chính phủ đã "chốt" với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong quý I-2018, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Ðông phải đưa vào khai thác thương mại. Theo mốc tiến độ đề ra, đến tháng 9 tới, dự án sẽ vận hành thử. Thời điểm này, những hạng mục xây lắp cuối cùng đang gấp rút hoàn thành.
Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc về gói vay bổ sung hơn 250 triệu USD (do đội vốn) vẫn chưa được Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) giải ngân cho các nhà thầu.
Công nhân thi công các hạng mục hoàn thiện Nhà ga La Khê trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 133 triệu USD.
Tuy nhiên, dự án đã bị đội vốn ở mức cao, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ đưa vào khai thác năm 2016, nhưng do gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, tiến độ dự án đã bị đẩy lùi đến năm 2018 mới đi vào khai thác thương mại.
Với chiều dài hơn 13 km, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông có 12 ga và một khu đề-pô. Trên tuyến, trung bình khoảng 1 km có một nhà ga, là nơi đón - trả khách. Ðặc thù là tuyến đường sắt chạy trên cao, song song với các tuyến đường đô thị hiện tại, diện tích các nhà ga không quá rộng nhưng được bố trí khá hợp lý.
Có mặt tại công trường, chúng tôi chứng kiến các tốp thợ thi công đang nỗ lực hoàn thành công việc hoàn thiện đúng tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động. Phó Trưởng phòng dự án 2 (Ban Quản lý dự án đường sắt) Nguyễn Văn Thái cho biết, hiện nay, khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành hơn 90%, công trường vẫn duy trì nhịp độ làm việc ba ca/ngày, tập trung cho công tác hoàn thiện các nhà ga.
Ðến hết quý I này, dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc, bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu đề-pô. Ga La Khê nằm trên đường Quang Trung (quận Hà Ðông) cũng là nơi vừa lắp đặt thành công đoàn tàu đầu tiên của dự án. Nhà ga gồm hai tầng, diện tích mỗi sàn khoảng 2.000 m2. Tầng một được bố trí là nơi bán vé, khu vực dịch vụ - thương mại, tàu sẽ vào ga ở tầng hai để hành khách lên xuống.
Những phần việc xây dựng chính của Nhà ga La Khê đã cơ bản hoàn thành, trên công trường, từng tốp công nhân của các nhà thầu tập trung thi công các hạng mục phụ trợ như lắp đặt hệ thống thang cuốn, vệ sinh, chống thấm,... Việc chống thấm cho nền đường sắt trên cao rất quan trọng, nhà thầu thi công chống thấm và kiểm tra chất lượng theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt.
Trong số 12 nhà ga dọc tuyến đường sắt, ga Láng nằm trên đường Láng được xác định là ga trung chuyển. Ở vị trí giữa của hành trình, ga Láng dự kiến sẽ đón lượng hành khách rất lớn. Bên cạnh đó, tuyến đường Láng có mật độ giao thông cao, do vậy, quá trình vừa thi công, vừa bảo đảm an toàn cho người đi đường, tránh ùn tắc đã đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị thực hiện dự án. Hiện nay, tại ga Láng, các đơn vị thi công đang tập trung lắp đặt thiết bị.
Bên cạnh hệ thống thang cuốn, ga Láng còn có thang máy phục vụ hành khách lên xuống nhà ga. Một trong những vị trí nhộn nhịp nhất trên công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông là điểm đầu tuyến, nơi đang xây dựng ga Cát Linh. Không chỉ là công trình tạo điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, đây còn là nhà ga lớn nhất trên tuyến. Nhà ga có diện tích mỗi sàn hơn 6.000 m2, gấp ba lần so với các nhà ga bình thường của dự án.
Tại ga Cát Linh, có bố trí hệ thống ghi chéo để khi tàu vào ga có thể chuyển hướng. Tàu đến ga đón, trả khách và quay ngược hành trình để về điểm cuối là ga Yên Nghĩa. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai, thực hiện các hạng mục còn lại, nhất là các hạng mục "đường găng" tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành chạy thử, đồng thời khẳng định không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với
dự án.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), năm 2016, đơn vị đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công cơ bản hoàn thành kết cấu chính hạ tầng chạy tàu với tiến độ tốt, sản lượng thực hiện cao và đã giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí cho dự án. Tuy nhiên, bước vào năm 2017, dự án đang đứng trước nhiều khó khăn khi giá trị khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn bố trí, nhất là vào giai đoạn đang hoàn thiện công trình, đòi hỏi dòng tiền liên tục và đều đặn. Ban Quản lý dự án đường sắt hiện đang chờ nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2017 để giải ngân tiếp sản lượng đã thực hiện.
Hiện tại, các bộ, ngành chức năng thuộc hai phía Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán để ký chính thức việc gia hạn Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua và Hiệp định ưu đãi bổ sung đối với nguồn vốn vay Trung Quốc thông qua China Eximbank nhằm giải ngân cho dự án. Quá trình đàm phán đang được các cơ quan xúc tiến đẩy nhanh, nếu hoàn tất sớm việc gia hạn, dự án sẽ có điều kiện giải ngân và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công.
Tuy nhiên, việc chưa ký được gia hạn và bổ sung hai hiệp định trên chắc chắn có tác động đến tiến độ thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án đường sắt đang chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị thầu phụ huy động nguồn lực tài chính tự có để thực hiện, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Lê Kim Thành, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là nguồn vốn, để tháo gỡ "rào cản" này, việc ký gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và Hiệp định vay vốn bổ sung chính là nút quan trọng nhất, đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2017, từ đó sẽ bảo đảm nguồn lực tài chính.
Trong lần kiểm tra thực tế các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh, các dự án đều chậm tiến độ so mục tiêu ban đầu. Vì vậy, cần tập trung quyết liệt triển khai để đẩy nhanh tốc độ thực hiện, sớm hoàn thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải tích cực, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các dự án về cơ chế, quy định của pháp luật, nguồn vốn, xử lý kỹ thuật,…
Thời điểm hiện nay, khối lượng còn lại của dự án còn khá lớn, do vậy để bảo đảm mốc tiến độ đóng điện toàn tuyến, vận hành chạy thử từ tháng 9 tới, cần sự nỗ lực của tất cả các đơn vị tham gia; trong đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đã chỉ đạo Tổng thầu giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn mọi mặt, nhất là an toàn lao động, an toàn giao thông, đồng thời tăng cường nhân lực cho công tác thi công, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông sẽ cần 658 nhân sự để phục vụ, trong đó có 55 lái tàu, phục vụ hành khách 18 giờ/ngày, tương đương khoảng 2,5 ca, cho nên cần số lượng người khá lớn. Các lái tàu, nhân viên kỹ thuật,... được đưa sang Trung Quốc đào tạo từ năm 2015 theo hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Trong số này, hơn 400 người được đào tạo tại Việt Nam, 200 người được cử sang Trung Quốc, 37 lái tàu được cử sang Trung Quốc đào tạo đều là những lái tàu chính, được đào tạo bài bản, dài hạn trong gần một năm, kinh phí đào tạo nằm trong tổng kinh phí dự án.

Nguồn: Ban Quản lý dự án đường sắt

Minh Trang (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.