Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao đang ngày một rõ nét, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện, câu hỏi: “Nên điều hành tỷ giá thế nào?” dường như chưa có lời giải.
Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao đang ngày một rõ nét, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện, câu hỏi: “Nên điều hành tỷ giá thế nào?” dường như chưa có lời giải.



Giá USD niêm yết trong hệ thống ngân hàng trong những tuần vừa qua luôn thấp hơn tới hơn 1.000 đồng/USD so với thị trường tự do

Dư báo về “bão” tỷ giá đã được cảnh báo, nhưng xem ra không ai có thể ngờ “bão” đã đến sớm và mạnh như những ngày vừa qua. Sau những tuyên bố, đôi khi là trái ngược, của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và NHNN, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do vẫn “kiên định” ở mức trên 21.000 đồng/USD.

Kỳ vọng nhiều, áp lực lớn

Đi ngược với tình trạng mất giá của đồng USD trên thị trường tiền tệ thế giới, tỷ giá VND/USD liên tục tăng. Xu hướng tăng của VND/USD đã hình thành và ngày càng rõ nét từ hai tháng nay. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 2% vào ngày 18/8 (lần trước là ngày 11/2/2010, NHNN đã quyết định tăng tỷ giá này thêm hơn 3%, lên mức 18.544 VND/USD) dường như chỉ làm chậm lại đôi chút đà tăng của tỷ giá. Nếu tính từ đợt điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 3%, và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +-5% xuống +- 3% hồi cuối tháng 11/2009 thì đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 12 tháng.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối, NHNN đã quyết định không điều chỉnh biên độ tỷ giá, cũng không nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Do đó, theo quy định, mức trần tỷ giá được phép giao dịch của các NHTM vẫn là 19.500 đồng/USD; và tiếp tục bị tỷ giá trên thị trường tự do bỏ xa đến 1.500 đồng/USD. Đây thực sự là một “cú sốc” lớn. Vì dù hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính chính thức vẫn chi phối 90% thị trường ngoại tệ, nhưng chỉ với 10% - “tiếng nói” của thị trường tự do vẫn có trọng lượng đáng kể.

NHNN đã tuyên bố sẽ bán ra ngoại tệ để giảm căng thẳng trên thị trường. Nhưng vấn đề đặt ra là, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có đủ để can thiệp thị trường theo cách này? Với tình hình hiện nay, nếu NHNN không có quyết sách phù hợp sẽ dẫn đến việc các ngân hàng, doanh nghiệp thay vì giao dịch chính thức sẽ tìm cách “lách luật”. Điều này vô hình trung sẽ làm gia tăng giao dịch ngầm mà NHNN khó kiểm soát được.

Theo TS Nguyễn Đức Độ thuộc Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, những giai đoạn căng thẳng về tiền tệ gần đây tuy có mức độ khác nhau nhưng đều có chung một cơ chế là nỗi lo sợ VND mất giá do lạm phát cao và thâm hụt thương mại dai dẳng. Theo những con số được công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 10/2010, kinh tế Việt Nam hiện đang hội đủ cả hai yếu tố này. Vì những diễn biến này, người dân, doanh nghiệp đang gia tăng chuyển đổi tài sản từ VND sang USD và vàng. Điều này lý giải tại sao đồng USD lại lên giá ở thị trường Việt Nam trong khi giá trị của nó trên thị trường thế giới đang xuống dốc.

Kỳ vọng VND mất giá sẽ khiến việc huy động vốn bằng VND của NHTM trở nên khó khăn hơn. Do đó, các NHTM phải tìm mọi cách để níu giữ khách hàng gửi VND là tất yếu. Thực tế lãi suất huy động không giảm mà còn có nguy cơ tăng trong thời gian tới. Mặt khác, kỳ vọng VND mất giá còn khiến kỳ hạn tiền gửi bằng VND của người dân tiếp tục ngắn lại, tác động đáng kể đến tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng trung và dài hạn do các NHTM không được phép sử dụng quá 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Tỷ giá hối đoái – công cụ không dễ sử dụng

Tỷ giá hối đoái là công cụ, là đòn bẩy điều tiết cung cầu ngoại tệ, tác động mạnh đến xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Chính sách tỷ giá tác động một cách nhạy bén đến tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng tài chính, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư, dự trữ của đất nước. Về thực chất tỷ giá không phải là công cụ của chính sách tiền tệ vì tỷ giá không làm thay đổi lượng tiền tệ trong lưu thông. Tuy nhiên, nhiều nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi coi tỷ giá là công cụ hỗ trợ quan trọng cho chính sách tiền tệ.

Đối với Việt Nam - một nền kinh tế có tỷ lệ “đô la hóa” cao, rất nhạy cảm với chính sách tỷ giá của NHNN. Quan trọng hơn, lâu nay Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng những gì chúng ta thu về không tương xứng với sự “hy sinh” của chính sách tỷ giá. Thâm hụt thương mại trong suốt thời gian dài không được cải thiện nhiều, trung bình vẫn khoảng 1 tỷ USD/tháng. Tuy mức thâm hụt này hiện ở mức dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, vẫn nằm trong mục tiêu đề ra, nhưng với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì khoản thâm hụt lên tới hơn chục tỷ USD là quá lớn, gây áp lực thường trực lên điều hành tỷ giá. Chưa kể nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, may mặc, giầy da… thì có đến 80% nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo độ mất giá nhất định của VND so với USD đã làm gánh nặng nợ nước ngoài tính bằng VND tăng vọt. Đặc biệt, theo công bố của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 10 vừa qua, đến hết năm 2010 nợ chính phủ sẽ tương đương khoảng 44,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và nợ công bằng 56,7% GDP. Phần bù đắp thâm hụt ngân sách bằng vay nước ngoài ngày càng tăng, nên rủi ro tỷ giá hối đoái ngày càng lớn, nhất là tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam có xu hướng cao hơn so với quốc tế. Dự báo gần đây nhất của các chuyên gia nước ngoài, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ vào khoảng 9 - 9,5%.

TS Vũ Đình Ánh, Viện kinh tế - Tài chính cho rằng, để trả lời được câu hỏi nên điều hành tỷ giá hối đoái theo hướng nào thì cần xác định lại vai trò hỗ trợ xuất khẩu của tỷ giá, vai trò của tỷ giá đối với các vấn đề trọng yếu khác như giá cả, lạm phát, sự lành mạnh của thị trường tài chính… trên cơ sở đó mới tính toán xem phá giá hay nâng giá VND như thế nào cho hiệu quả.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank - người từng có nhiều năm làm chính sách về tỷ giá cho rằng, việc can thiệp thị trường lúc này phải có mục tiêu, đối tượng và đúng cách. Nếu cần, phải đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và giữ dự trữ ngoại tệ thì nên chọn ngoại tệ. Vì lạm phát dù có cao đến hai con số như năm 2007 (12,6%) vẫn “chưa có ai chết cả”, nhưng nếu không đảm bảo dự trữ ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay thì rất nguy hiểm, ông Phước khẳng định.


10 tháng đầu năm 2010, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 57,8 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu đạt 67,28 tỷ USD. Không những thế, sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu thì so với cùng kỳ năm 2009, trong 10 tháng qua nhóm cần kiếm soát nhập khẩu tăng tới 38,5%, nhóm cần hạn chế nhập khẩu tăng 19%... CPI tháng 9 bất ngờ tăng đến 1,31% so với tháng trước, tháng 10 tăng tiếp 1,05% so với tháng 9, đưa CPI 10 tháng qua tăng 8,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2009.
Cafeland.vn - Theo Doanh nhân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland