Thị trường bất động sản (BĐS) gần như tê liệt nhiều tháng nay vì bị cắt nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Nhiều ý kiến cho rằng cái lợi sẽ khiến thị trường về đúng nhu cầu và giá trị thực.

Bất động sản bước vào vùng đáy

Hiện tại, thực trạng thị trường bất động sản BĐS được các chuyên gia kinh doanh trong lĩnh vực này mô tả là hết sức bi đát. Người bán hạ đến giá nào, người mua vẫn băn khoăn, lưỡng lự.

Giao dịch đóng băng, giá nhà đất giảm mạnh

Giá nhiều dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội đang điều chỉnh giảm mạnh.

Hàng chục nghìn m2 căn hộ tại các dự án cao cấp ở Hà Nội đang để trống, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Giá nhiều tòa nhà đã hạ xuống, điển hình như Dự án Rừng cọ giảm giá tới 12% cho khách hàng. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mạnh dạn hạ giá.

Dự án Usilk city (Văn Khê, Hà Đông) từng khuấy động miền Bắc, trước được rao bán 29 triệu đồng/m2, nay giảm còn 25 triệu đồng/m2. Đặc biệt, Dự án Intracom CT1 Lê Văn Lương sau nhiều lần đình hoãn vẫn chưa xây được móng làm sốt ruột nhà đầu tư, nay giá giao dịch cũng giảm chỉ còn hơn 20 triệu đồng/m2.

Ông Lê Quốc Hưng - Giám đốc điều hành Sàn giao dịch bất động sản VinaCity Land cho hay: “Khi nguồn vốn bị thắt chặt, cung nhiều khi vượt quá cầu khiến thanh khoản kém nên buộc các chủ đầu tư phải tìm cách kích cầu bằng khuyến mãi và giảm giá”.

Cùng chung số phận với chung cư cao cấp, đất nền, đất dự án cũng rơi vào tình trạng đóng băng người mua. Mới chỉ cách đây vài tháng, đất nền khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh còn “sốt xình xịch” khiến giá đất thay đổi theo ngày, nay gần như đóng băng hoàn toàn.

“Từ chỗ giá đất thời đỉnh điểm lên tới 40 triệu-60 triệu/m2, giờ có hạ xuống vài chục triệu cũng khó có người mua”, anh Nguyễn Đức Quế - một chuyên gia môi giới BĐS khu vực Lương Sơn (Hoà Bình) và Sơn Tây (Hà Nội) cho biết. Hai tháng nay gần như không có khách nên hầu hết các văn phòng môi giới chuyển sang lĩnh vực khác hoặc đóng cửa.

Chị Lan Hương - người đang có mảnh đất tại Lương Sơn cho biết: Muốn bán nhanh để lấy tiền đầu tư những dự án khả thi hơn nhưng lúc này không tìm được khách mua.

Ngân hàng Nhà nước sẽ “giải cứu”?

Theo tính toán, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS hàng năm tăng lên từ 20-50%. Hiện cả nước có trên 1.700 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở và BĐS. Trong số này, khoảng 484 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 10-50 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn từ 50 – 200 tỷ đồng khoảng 115 đơn vị; trên 50 doanh nghiệp có vốn từ 200 – 500 tỷ đồng và khoảng 41 doanh nghiệp đạt số vốn trên 500 tỷ đồng.

Rất nhiều chuyên gia lo lắng sẽ rất khó để có thể tháo gỡ tín dụng cho BĐS bởi đặc thù cho vay và kinh doanh trong lĩnh vực này là “dài hơi”, thường kéo dài 3 – 5 năm.

Theo ý kiến các chuyên gia, việc thắt chặt tín dụng chắc chắn phần nào hạn chế sự bành trướng của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp nào thật sự mạnh và cần thì tồn tại, những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị thanh lọc.

“Hạn chế bớt các khâu trung gian, giảm bớt quá trình mua đi bán lại của các doanh nghiệp, nhanh đưa giá BĐS tiệm cận với giá thị trường” - một chuyên gia Bộ Xây dựng khẳng định.

Tuy nhiên, việc tạo nguồn vốn lành mạnh cho thị trường BĐS hoạt động bình thường là điều quan trọng. Liên tiếp những ngày gần đây các tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý liên quan đến hai lĩnh vực chứng khoán, BĐS đều có văn bản kêu gọi sự hỗ trợ mà cụ thể là nới lỏng tín dụng cho những lĩnh vực này. Theo nguồn tin của NTNN, nhiều khả năng trong tuần này NHNN sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động cho vay lĩnh vực phi sản xuất (bao gồm BĐS, chứng khoán và tiêu dùng).

Theo Phương Hà (Danviet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0