Trong hai ngày 14 và 15/10 tại Paris, Pháp, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhóm họp để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của G-20, dự kiến sẽ diễn ra vào hai ngày 3 và 4/11 tại Canne - Pháp nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tránh để cuộc khủng hoảng này kéo thế giới vào thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của G-20 cam kết sẽ đảm bảo cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có đủ nguồn lực cần thiết để góp phần ổn định nền kinh tế thế giới.

Cam kết này là một dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể trao cho IMF một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro và nếu cần thiết sẽ tăng nguồn lực cho IMF. Tuyên bố có đoạn viết: "Chúng tôi cam kết rằng IMF sẽ có đủ nguồn lực (tài chính) để hoàn thành trách nhiệm của mình."

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của G-20 cho biết thêm nhóm nước này sẽ thảo luận vấn đề cung cấp tiền cho IMF tại cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của G-20 vào đầu tháng 11 tới.

Trong bối cảnh vấn đề nợ công trong khu vực đồng euro đe dọa vượt ra khỏi tầm kiểm soát với những hậu quả to lớn đối với toàn cầu, Pháp và một số nước khác đã thúc giục IMF giúp châu Âu ngăn không cho cuộc khủng hoảng nợ lan sang các nền kinh tế lớn như Italy và Tây Ban Nha.

Cho tới nay, IMF đã đóng góp khoảng 1/3 các khoản cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, song để giúp khu vực đồng euro ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ thì IMF cần phải sử dụng nhiều nguồn lực tài chính hơn, ví dụ như để mua các trái phiếu trên thị trường mở, một việc làm vượt ra khỏi vai trò bấy lâu nay của quỹ này là cho vay cứu trợ các nước thiếu tiền mặt./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.