Dự thảo sửa đổi Luật Quy hoạch đang được lấy ý kiến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, chất lượng quy hoạch sẽ tăng lên nhờ phương thức tích hợp, qua đó thay đổi được tình trạng lãng phí nguồn lực, cản trở đầu tư của doanh nghiệp.

* Với những hạn chế, yếu kém trong quy hoạch hiện nay, theo ông, dự luật này có đủ sức thay đổi những bất cập về quy hoạch?

- Trước đây, do không bàn thảo ngay từ đầu, nên nhiều quy hoạch phải mất hằng năm để điều chỉnh, làm cản trở đầu tư, gây chậm tiến độ các công trình.

Vì vậy, khi xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch, chúng tôi đã rà soát một số lượng lớn bản quy hoạch hiện hành và chốt lại ở 21 bản quy hoạch ở cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh thật sự cần để phục vụ quản lý quy hoạch.

Ở đây, không phải những bản quy hoạch rời rạc, đơn lẻ, độc lập mà nhiều cơ quan tham gia. Từng bản quy hoạch phải chịu sự cọ xát và thẩm định với những câu hỏi khắt khe, mang tính thách thức của các chuyên gia các lĩnh vực liên quan.

Với phương thức này, chất lượng quy hoạch sẽ tăng lên nhờ phương thức tích hợp, qua đó thay đổi được tình trạng lãng phí nguồn lực, cản trở đầu tư của doanh nghiệp hiện nay.

* Với phương thức mà ông vừa nêu, quy hoạch không gian biển được tích hợp như thế nào trong quy hoạch tổng thể?

- Không gian biển có tính chất đặc thù, nằm trên vùng không gian riêng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay còn có an ninh, quốc phòng.

Nước ta đã có Luật Biển và Luật Khai thác sử dụng không gian biển nhưng phải tính toán kỹ giữa khai thác du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Chẳng hạn, lựa chọn khai thác du lịch hay khai thác khoáng sản titan ở khu vực Nam Trung bộ là bài toán khó.

Cho nên, phải có một bản quy hoạch vùng và không gian biển riêng, dựa trên các phương pháp tính toán khoa học để xác định những ngành nghề và điều kiện phát triển.

* Quy hoạch vùng là cần nhưng trong bộ máy hành chính không có tổ chức cấp vùng, theo ông, làm sao để áp dụng Luật Quy hoạch trong thực tiễn?

- Trong Dự thảo sửa đổi Luật Quy hoạch, quy hoạch vùng được làm theo 2 tiêu chí: chỉ những ngành, lĩnh vực theo yêu cầu khách quan phải liên kết các địa phương trong vùng mới hiệu quả và làm theo vùng hiệu quả hơn từng tỉnh, từng địa phương.

Ví dụ, làm thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phải "chơi chung", không thể tách rời. Quy hoạch vùng sẽ do Trung ương quản lý.

* Luật Quy hoạch sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng kém đồng bộ, không hiệu quả bởi nhóm lợi ích và giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, ban soạn thảo dường như đã đặt kỳ vọng quá cao so với tình hình thực tế hiện nay?

- Phương pháp tích hợp, tổng hợp có tính đồng bộ rất cao.

Nhóm lợi ích có thể tác động, thậm chí chi phối quy hoạch khi chỉ một cơ quan, một đơn vị độc lập xây dựng quy hoạch, nhưng không dễ tác động hoặc chi phối tất cả chuyên gia của hàng chục chuyên ngành khác nhau.

Bằng cách làm đó, giả sử có nhóm lợi ích (vì không có bằng chứng) thì cũng không dễ tác động đến những bản quy hoạch được xây dựng theo Luật Quy hoạch mới.

* Cảm ơn ông!

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Triển khai Dự án Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê có tới 19.285 bản quy hoạch, một số địa phương có tới 200 bản quy hoạch.

Kinh phí làm quy hoạch giai đoạn 2011-2020 lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

Quy hoạch được lập ra ở hầu hết các ngành nghề và liên tục được điều chỉnh theo thời kỳ, thậm chí là nhiệm kỳ.

Hiện Dự án Luật Quy hoạch đã hoàn thành, đang được Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Chính phủ trong tháng 7 và trình Quốc hội vào tháng 10 tới.

Xuân Hùng (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.