“Do góp ý không sâu nên một số văn bản quy phạm pháp luật không mang tính khả thi cao, có khi vừa ban hành lại phải điều chỉnh. Lần này các cơ quan, cá nhân cần góp ý thẳng thắn cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”

- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị trong hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do TP tổ chức ngày 6-3.

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục phó Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT), cho hay điểm mới đáng chú ý của dự thảo là quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất. Mục đích nhằm tránh tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất. Với trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng hoặc tiến độ chậm hơn 14 tháng, dự thảo quy định chỉ được phép gia hạn một lần và không quá 12 tháng. Trường hợp không được chấp thuận cho gia hạn tiến độ, Nhà nước sẽ thu hồi đất. Người có đất bị thu hồi do vi phạm không được hoàn trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất.

Sau buổi hội nghị, các cơ quan, địa phương tại TP.HCM tiếp tục triển khai tổ chức lấy ý kiến tại đơn vị về những nội dung sửa đổi của Luật Đất đai để Sở TN&MT tổng hợp.

l “Dự thảo nên đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Công tác quy hoạch đất đai vừa rồi không phát huy hiệu quả; kế hoạch, chương trình đều có đầy đủ nhưng tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này còn nhiều” - bà Nguyễn Ngọc Sương, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, góp ý tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Cần Thơ, chuyên đề lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 6-3.

Điều 47 dự thảo quy định: Nếu quy hoạch sử dụng đất sau ba năm chưa có quyết định thu hồi thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nếu không có nguồn lực để làm mà cứ ba năm lại gia hạn một lần thì sẽ gây khó khăn trong thực tế. Luật nên quy định chỉ được gia hạn một, hai lần thôi, không thể bắt người dân chờ hoài.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cũng cho rằng quyền lợi người dân vừa qua bị xem nhẹ, dân oán thán nhiều do khâu quy hoạch, thu hồi đất không đảm bảo quyền lợi người dân. Giá bồi thường không thỏa đáng, quy hoạch “treo” còn nhiều. “Về nguyên tắc, Nhà nước thống nhất quản lý đất đai nhưng lâu dài nên nghiên cứu các hình thức sở hữu đối với tổ chức, cá nhân và ràng buộc trách nhiệm cụ thể. Tôi cũng đề nghị bỏ quy định về cưỡng chế thu hồi đất vì nếu đã bồi thường ổn thỏa thì không có gì phải cưỡng chế” - ông Lợi nói.

Cẩm Tú - Nhẫn Nam (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án