Nếu tình hình thị trường bất động sản tiếp tục “bí” đầu ra, nguồn vốn vẫn gặp khó thì làn sóng chuyển nhượng dự án sẽ càng mạnh.
Gần đây, nhiều dự án bất động sản của các doanh nghiệp (DN) trong nước đã được chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài thông qua hình thức tham gia góp vốn, mua lại cổ phần. Một số chuyên gia dự báo hoạt động này sẽ sôi động hơn trong thời gian tới bởi hiện tại, nhiều dự án của các DN trong nước đã được rao bán. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem đây là cơ hội để thâu tóm những dự án tốt.

Đủ kiểu chuyển nhượng

Mới đây, CapitaValue Homes Limited, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn CapitaLand, đã thông qua công ty con là CVH Sparkle Pte. Ltd mua lại 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn, một công ty thành viên của Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG), với mức giá khoảng 121,2 tỉ đồng (tương tương 7,3 triệu đô la Singapore), trong tổng tài sản của Quốc Cường Sài Gòn là 186,5 tỉ đồng. Số còn lại do QCG và Công ty TNHH Gạch Đỏ sở hữu. Ngoài ra, QCG cũng vừa có nghị quyết sáp nhập QCG với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Địa ốc Sài Gòn Xanh, đơn vị QCG đang sở hữu 85% cổ phần.
Dự án bất động sản đổi chủ
Một dự án của Tập đoàn Hoa Sen tại quận 2 - TPHCM đã được hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sẽ chuyển nhượng. Ảnh: HỒNG THÚY

Trước đó, một thương vụ cũng từ CapitaValue Homes Limited đã được thực hiện với việc mua lại 70% cổ phần của một dự án chung cư tại phường Bình Trưng Đông, quận 2-TPHCM của Công ty Khang Điền Sài Gòn – một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền.

Tuần trước, đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã thông qua chủ trương sẽ chuyển nhượng hàng loạt dự án như: Căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Hoa Sen Riverside (quận 9 – TPHCM), chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 123 Trần Não, phường Bình An, quận 2. Đồng thời chuyển nhượng 45% phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế Hoa Sen –Gemadept...

Giám đốc nghiệp vụ bộ phận đầu tư của Công ty TNHH Savills Việt Nam (Savills), TS Sử Ngọc Khương, cho biết những thương vụ chuyển nhượng được công bố công khai như trên chỉ là phần nổi. Trên thực tế, phần chìm mới thật sự sôi động. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số thương vụ mà Savills tham gia tư vấn đã tăng 20% - 30% so với năm ngoái. Trong đó, số thương vụ được chuyển nhượng thành công chiếm khoảng 50%.
Đặc biệt là trong những thương vụ này, bên mua chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài... Thông thường, một thương vụ diễn ra từ vài tháng đến cả năm. Vì thế, theo ông Khương, nếu thương thảo thành công thì trong vòng 6 tháng tới, đặc biệt là trong năm 2012, sẽ có hàng loạt dự án bất động sản chính thức “thay ngôi đổi chủ”...

Lợi thế thuộc về bên mua

“Mặc dù trong số những đối tác đặt hàng với Savills có cả nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng trong điều kiện này, cơ hội đã thực sự đến với các đối tác nước ngoài vốn có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm phát triển dự án”- ông Sử Ngọc Khương nhận xét. Cũng theo ông Khương, ngoài sức ép về vốn và vấn đề đầu ra của thị trường, sức ép về tiến độ thực hiện dự án hiện nay đang khiến các DN trong nước phải tái cấu trúc. Khi trên thị trường có nhiều mặt hàng để chọn thì chắc chắn cơ hội sẽ thuộc về bên mua.

Một chuyên gia tài chính, người đang tham gia tư vấn, định giá một số dự án cho một tổ chức gồm một nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tiết lộ: Một số dự án có quy mô khá lớn trị giá hàng ngàn tỉ đồng của các DN trong nước cũng đang tìm kiếm đối tác có tiềm lực kinh tế để chuyển nhượng. Phía tổ chức nước ngoài có thể mua lại trực tiếp dự án hoặc mua cổ phần, kể cả cổ phần chi phối. Bước đầu đã có một vài dự án bên bán phải chấp nhận bán thấp hơn giá thị trường. Vị này nhận xét: Những thương vụ mua bán hiện nay không chỉ được mua bán, sáp nhập vì “kẹt” vốn mà chủ dự án là các tổ chức trong nước cũng muốn tìm đối tác có kinh nghiệm, có thương hiệu tham gia để phát triển dự án của mình trên cơ sở cả hai cùng có lợi.

TS Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng: “Cái khó của các thương vụ mua bán dự án hiện nay phần lớn là ở chỗ giá cả. Bởi nhiều dự án đã được bên bán đầu tư vào thời điểm giá đất được đẩy lên quá cao trong thời gian trước nên nay không chịu bán giá thấp hoặc bán lỗ. Còn bên mua thì không chịu trả giá cao. Ngoài ra, một số thương vụ còn bị vướng do hai bên chưa tìm được “tiếng nói chung” trong việc định hướng phát triển dự án…”.

Căn hộ tiếp tục rớt giá

Nguồn tin từ một số sàn giao dịch bất động sản tại TPHCM cho biết thị trường căn hộ hiện giao dịch ảm đạm; riêng căn hộ có giá dưới 15 triệu đồng/m2 có giao dịch nhưng cũng kém sôi động, vì vậy không ít nhà đầu tư chấp nhận hạ giá, bán lỗ để “đẩy” được hàng càng sớm càng tốt.
Vài tháng trước, một số căn hộ cao cấp thuộc một dự án ở Nhà Bè (tiếp giáp quận 7) có giá bán vẫn còn ở mức 18,5 triệu đồng/m2 nhưng tuần qua, chủ nhà đã chấp nhận bán với giá 17,7 triệu đồng/m2.
Một số dự án có giá từ 15 triệu đồng/m2 trở xuống cũng đang được các chủ đầu tư rao bán với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá rất hấp dẫn. Chẳng hạn như khu căn hộ Green House (quận Thủ Đức), Lê Thành (quận Bình Tân)..., giá bán hầu hết dưới 15 triệu đồng/m2.

Theo Sơn Nhung (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0