Đã gần nửa năm, ngành bất động sản phải hoạt động trong môi trường lãi suất cao kéo dài. Phụ thuộc nhiều vào nợ vay, đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi xu hướng lãi vay cao chưa thể giảm nhanh trong ngắn hạn.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010, 52 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tài trợ 56% tổng tài sản bằng vốn vay ngân hàng, trong đó vay ngắn hạn là 34%, vay dài hạn 22%. Những dự báo mới nhất cũng không đủ độ tin cậy về một mặt bằng lãi suất thấp hơn có thể được xác lập trong năm 2011. Nếu vậy, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ phải sẵn sàng phương án điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận sản xuất - kinh doanh cho năm 2011, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng quá nhiều nợ vay và không còn nhiều “lương khô” dự trữ.

Lãi suất cao có ảnh hưởng không chỉ tới chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn làm giảm sức mua đối với thị trường bất động sản. Đầu ra và đầu vào đều gặp khó khăn là nguyên nhân chủ yếu khiến đa số doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2011 thận trọng và thấp hơn hoặc bằng mức thực hiện năm 2010. Đấy là chưa kể đến việc một số doanh nghiệp xây dựng kế hoạch trên cơ sở giả định năm nay có thể bán được hàng và hạch toán lợi nhuận.

Trong trường hợp xấu, khi áp lực trả gốc và lãi vay ngày càng nặng nề, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải hạ giá bán để thu hút sức cầu và chấp nhận giảm lợi nhuận. Nguy cơ không đạt kế hoạch, thậm chí thua lỗ là hiện hữu, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có quy mô doanh thu và lợi nhuận thấp, trong khi phụ thuộc quá nhiều vào nợ vay và dự án chưa thể bán được trong ngắn hạn.

Sau đây, người viết lượng hóa tác động của lãi suất tăng tới các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với giả định các doanh nghiệp đều đi vay ngân hàng với lãi suất trung bình tăng 30%/năm so với năm 2010 và dư nợ duy trì như cũ (xem bảng). Có thể chi phí lãi vay không hạch toán vào chi phí tài chính, mà một phần được vốn hóa vào giá vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù được hạch toán như thế nào thì kết quả cuối cùng cũng được thể hiện qua sự sụt giảm của lợi nhuận. Dễ thấy rằng, ở những doanh nghiệp tài trợ quá nhiều tài sản bằng nợ vay và quy mô doanh thu, lợi nhuận thấp, thì một sự thay đổi nhỏ trong lãi suất cũng dẫn tới sự thay đổi lớn về lợi nhuận nếu tính theo tỷ lệ.

Trường hợp lãi suất vay ngân hàng tăng thêm 30%, thì VPH, VNI, STL có thể ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2011, nếu không triển khai bán được hàng hoặc có những phương án khác cải thiện được lợi nhuận. VPH có thể mất 215%, VNI mất 177%, STL mất 176%, NVT mất 134% thành quả đã làm được năm 2010. Đây đều là những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay trên tổng tài sản khá lớn so với mặt bằng chung toàn ngành và thể hiện năng lực tạo lợi nhuận trong quá khứ là kém. Các doanh nghiệp khác như NTB, SCR, PDR, NVN, IJC… cũng đứng trước nguy cơ giảm mạnh lợi nhuận và khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

Thực tế, trong quý I năm nay, SCR đã công bố mức lợi nhuận sụt giảm 73%, chỉ đạt 5,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế do chi phí tài chính tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. STL công bố doanh thu thuần trong quý I/2011 đạt 380,5 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh lên tới 40 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trong quý I/2011 của STL giảm 84% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2,14 tỷ đồng. Hay trường hợp của VPH, quý I/2011, Công ty đạt 11,5 tỷ đồng doanh thu và 2,81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm 2010, doanh thu thuần quý I giảm 8%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 86%.

“Cơn bão” lãi suất đã thực sự cuốn đi thời kỳ thăng hoa nhất của thị trường bất động sản, đặt ra một thách thức lớn đối với những cam kết lợi nhuận của các công ty kinh doanh trong ngành. Bức tranh lớn cho triển vọng ngành này chưa có nhiều nét tươi sáng, cổ đông chỉ có thể trông đợi sự bứt phá đến từ bản lĩnh chèo lái và chiến lược kinh doanh sáng suốt của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản trong “cơn bão” lãi suất
Theo Phùng Quang Việt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0