“Nào mình cùng đi buôn đất” – đây là một trong những tít báo thú vị phản ánh đúng thực trạng thị trường bất động sản ở Việt Nam. Hay diễn đạt một cách khác thì nó giống như tên một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại của vua hề Sác Lô: Đổ xô đi tìm vàng.

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư bất động sản. Không biết con số 33% công chức “ngồi chơi xơi nước” mà chúng tôi đề cập trên báo Đại Đoàn Kết cách đây vài số có liên quan đến việc “công chức nhấp nhổm đi buôn đất”? Lợi nhuận khổng lồ từ “buôn đất” mà người ta rỉ tai nhau đã khiến, nói không ngoa, dường như cả xã hội Việt Nam nháo nhào đi buôn đất. Một tờ báo từng phản ánh: “Trong các công sở, doanh nghiệp, người ta dễ dàng bắt gặp những câu chuyện buôn đất được kể say sưa và hào hứng không chỉ bởi cánh nhân viên”. Hết chung cư, liền kề, biệt thự ở thành phố thì người ta lùng sục khắp các các vùng ngoại ô. Biệt thự mua để hoang, đất quê mua để cho cỏ mọc...

Người ta nói đến từ “lướt ván” một cách sành sỏi trong khi dễ có đến 80% “nhà đầu tư” không hề có kiến thức về thị trường, về đầu tư, về quy luật của thị trường...

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, ai cũng có thể trở thành “môi giới” mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “cò”. Người có vốn đi buôn đất, người không có vốn cũng đi buôn đất. Bằng cách mua bán trao tay. Họ tạo ra lợi nhuận và đẩy giá đất lên cao.

Chưa có ai thống kê, trong vòng 10 năm qua, khi giá đất, giá nhà ở Việt Nam luôn được đẩy lên một mặt bằng giá mới cao ngất ngưởng thì có bao nhiêu người đi mua đất vì nhu cầu sử dụng, bao nhiêu mét vuông đất trên đời này thực chất đã chuyển qua tay bao nhiêu chủ mà vẫn chưa được dùng để ở?

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư tài chính. Cơn sốt chứng khoán những năm 2005-2006 đã kéo vô số người vào cuộc. Người ta mua bán cổ phiếu cả niêm yết và chưa niêm yết như mua mớ rau ngoài chợ.

Cơn sốt đầu tư kỳ lạ thay không chỉ dừng ở các nhà đầu tư đơn lẻ. Lợi nhuận từ các lĩnh vực đầu tư này đã kéo theo sự tham gia của tương đối lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả doanh nghiệp tư nhân lẫn các công ty cổ phần (thậm chí có vốn nhà nước). Suốt thời gian “sốt” chứng khoán, rất nhiều công ty có thêm mục kinh doanh cổ phiếu. Nó tương tự như gần đây, số doanh nghiệp thêm mảng đầu tư bất động sản không phải là ít. Không phải chỉ những doanh nghiệp ở lĩnh vực dịch vụ hoặc xây dựng giờ đây hầu như đã chuyển sang kinh doanh mảng bất động sản là chính mà cả những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cũng chuyển qua “buôn đất”.

Công cuộc “đổ xô đi... buôn” đẩy giá bất động sản lên trời. Không đủ kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và cả khả năng tài chính để chấp nhận rủi ro. Kết quả là khi gặp khủng hoảng tài chính, sự đổ gãy của thị trường này là tất yếu và gây hậu quả vô cùng lớn. Mà cuộc lao dốc không phanh và đang khó có khả năng vực dậy của chứng khoán đang là bài học nhãn tiền.

Và chỉ cần một động thái như thắt chặt tín dụng bất động sản, tất cả những “nhà đầu tư” đang sành sỏi, quyết liệt lao vào thị trường như thiêu thân trước đó sẽ nhanh chóng trở thành những người tháo chạy.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam còn méo mó và bất ổn chừng nào còn tồn tại ai cũng có thể “đi buôn đất”, doanh nghiệp nào cũng lao vào kinh doanh bất động sản.

Đầu tư bất động sản và kinh doanh tài chính là những lĩnh vực khó. Ở các nước phát triển, giới kinh doanh này phải có bản lĩnh và kinh nghiệm. Thực tế từ những lần “đổ vỡ” ở thị trường Việt Nam cũng đã cho thấy những “nhà đầu tư” yếu kém kinh nghiệm và khả năng tài chính, những doanh nghiệp đầu tư bất động sản phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng sẽ không đủ sức đối phó với biến động.

Kinh doanh, bất cứ lĩnh vực gì, cũng là một nghề chỉ dành cho một số ít người, không phải dành cho “cả làng”. Không thể vừa làm công chức vừa “đi buôn”. Đã làm công chức thì phải giỏi nghề công chức. Bao giờ công chức có đời sống sung túc bằng nghề để không phải nhấp nhổm đi buôn đất; bao giờ xã hội có được sự phân công lao động rạch ròi; bao giờ không còn cảnh nhà nhà đi buôn, người người đi buôn, ai cũng có thể thành nhà đầu cơ tiền, vàng, chứng khoán, nhà đất thì Việt Nam mới có thể có thị trường lành mạnh đúng nghĩa.
Theo Cẩm Thúy (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0