Ngày nay, người dân TPHCM có quyền tự hào về những “thay da đổi thịt” của thành phố. Quận 4, một thời là “vùng đất dữ” nay đã trở thành vùng đất mà “khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Quận 7 ngập sình lầy ngày xưa nay đã có thể tự hào về khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng với khu A xứng đáng đô thị mẫu của cả nước. Kênh “đen” Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé nay đã xanh trong... TPHCM hiện nay đã lớn gấp hơn 2 lần so với trước năm 1975. Một thành phố đã đô thị hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Bộ mặt mới hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: KIM NGÂN

Nhà mới, phố mới...

Thường xuyên lui tới khu Nam TPHCM, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh nhà nhà, phố phố xuất hiện ngày một nhiều, ngày một hiện đại ở khu vực này. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết: “Tôi sinh sống ở TPHCM đã lâu, ấy vậy mà vẫn không khỏi bất ngờ trước sự phát triển ở đây. Ngay trong lúc thị trường địa ốc đóng băng, hoạt động xây dựng nhà cửa ở khu vực này vẫn diễn ra. Bên cạnh khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là hàng loạt cao ốc của Hoàng Anh Gia Lai, Vạn Phát Hưng…”.

Vui, nhưng ông Hoàng Minh Trí cũng không khỏi bùi ngùi. Quy hoạch phát triển khu Nam do chính Viện Quy hoạch TP - thời ông làm viện trưởng và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng cùng tư vấn SOM (Mỹ) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994 gần như không tạo được dấu ấn nào trong sự phát triển của khu Nam hiện nay. Quy hoạch này từng được giải thưởng trong một cuộc thi khu vực dành cho các ý tưởng phát triển đô thị bền vững khi đưa ra được giải pháp giữ gìn hệ thống sông, kênh rạch hiện hữu nhằm đảm bảo việc thoát nước cho khu vực trung tâm TP và phát triển các mảng xanh lớn dọc sông, kênh nhằm giữ cho môi trường của khu Nam không bị thay đổi trước sự đô thị hóa. Tiếc thay, khu Nam giờ đa phần chỉ có nhà và nhà, phố và phố...

Theo ông Hoàng Minh Trí, đây chính là một trong những bất cập rất lớn của TPHCM trong tiến trình đô thị hóa vừa qua. Nhà ở và các công trình xây dựng mọc lên rất nhiều nhưng việc bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí, ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiệm vụ này còn bị lãng quên. Cách nay chưa lâu, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, các sở ngành chức năng đã kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch cây xanh trong 55 dự án kinh doanh địa ốc được cấp phép thực hiện giai đoạn 2006-2009 trên 4 địa bàn: quận 7, 9, 12 và huyện Bình Chánh.

Báo cáo của đoàn kiểm tra cho thấy một thực tế đáng thất vọng về ý thức chấp hành quy hoạch phát triển mảng xanh của nhiều chủ đầu tư dự án phát triển địa ốc trên địa bàn TP. 15/55 dự án đầu tư xây dựng mảng xanh sai với quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt.

Đứng đầu tiên trong danh sách mà đoàn kiểm tra lập là dự án khu nhà ở Him Lam tại quận 7 do Công ty cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư. Ở dự án này, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nhưng chưa đầu tư phần diện tích dành cho cây xanh.

Tiếp đó là dự án chung cư Tín Phong ở quận 12 do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tín Phong làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch, toàn bộ dự án có diện tích hơn 8.769m2, trong đó diện tích dành cho cây xanh là 1.100m2. Chủ đầu tư đã xây xong phần thô của công trình nhưng diện tích dành cho mảng xanh chưa thấy. Đã vậy, vị trí đáng lẽ dành cho mảng xanh theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt đã được thay thế bằng một hồ bơi và một dãy nhà trệt bằng bê tông cốt thép…

Những vùng quê chuyển mình

Khu vực ngã tư Bốn Xã của huyện Bình Chánh thay đổi đến ngay cả những người sinh ra và lớn lên ở đó, sau một thời gian xa quê, nay trở về cũng còn không nhận ra. Cách nay hơn 20 năm, ngã tư Bốn Xã là một vùng quê… đúng nghĩa với những vườn rau và ruộng lúa. Sau đó 10 năm, ngã tư này là một trong những điểm nóng… về ngập nước ở TPHCM. Còn nhớ, ngày ấy, chuyện ngập ở ngã tư Bốn Xã luôn làm “nóng” diễn đàn của nhiều cuộc họp HĐND TPHCM. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phải tập trung rất nhiều nguồn lực để xóa ngập khu vực này.

Tất nhiên, hiện nay khu vực ngã tư Bốn Xã đã khác hẳn xưa, nhà cửa, đường phố đẹp đẽ. Đặc biệt, một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh đã giúp cho nơi đây không còn ám ảnh nỗi lo ngập nước.

Theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, khu vực ngã tư Bốn Xã là một trong những điển hình về sự thay đổi của không ít khu vực ngoại thành TPHCM trong quá trình đô thị hóa. Bắt đầu từ sự phát triển tự phát, nhà cửa mọc lên không có quy hoạch, thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Sau đó, là hậu quả xảy ra: ngập nước, kẹt xe. Và cuối cùng, TPHCM bắt đầu dồn lực để chỉnh trang.

Tương tự như ngã tư Bốn Xã, khu vực chợ Cầu, quận 12 từng là điểm nóng về ùn tắc giao thông do đường quá nhỏ. Hiện nay, một cây cầu mới khang trang đã mọc lên và tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản đã được khắc phục. Khu vực dọc tuyến đường xuyên Á và khu vực dọc quốc lộ 1A đoạn An Sương, An Lạc có thời thường xuyên bị ngập nước và ùn tắc giao thông nay cũng đã cơ bản khác trước nhờ đường xuyên Á được xây dựng và dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A được triển khai thực hiện.

Theo Quy hoạch phát triển xây dựng TPHCM đến năm 2025, TPHCM sẽ phát triển đô thị ra 4 hướng: Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam và Nam. Trên cơ sở quy hoạch này, nhiều khu đô thị mới đang được lập quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch như khu đô thị Tây Bắc TP ở huyện Củ Chi, khu đô thị công nghệ cao ở quận 9… Cách nay hơn 1 năm, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng đã thành lập phòng thanh tra việc triển khai và thực hiện quy hoạch trên địa bàn TPHCM.
Theo Nguyễn Khoa (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.