Hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị “đô thị” hóa một cách ồ ạt, lộn xộn tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới, là các khu ngõ ngách không ánh sáng mặt trời… Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định.

Hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị “đô thị” hóa một cách ồ ạt, lộn xộn tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới...

Phát biểu tại Hội thảo Chính sách cải tạo chỉnh trang tái thiết phường làng, ngõ xóm trong các khu ven đô và các khu đô thị cũ đang phát triển, diễn ra sáng 22/10 tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, bên cạnh các thành quả đạt được khi xây dựng các khu đô thị mới khang trang, đồng bộ, bộ mặt các khu phố cũ đã thay đổi.

“Tuy vậy, một tình trạng đáng lo ngại là hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị đô thị hóa một cách ồ ạt, lộn xộn tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới, là các khu ngõ ngách không ánh sáng mặt trời, đường xá chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, ngập úng, điều kiện sống tồi tệ, trẻ em không có chỗ chơi, người già không có chỗ dạo, xảy ra sự cố, xe cứu hỏa không thể vào, xe cứu thương không kịp cấp cứu… Hiện tượng này tồn tại không chỉ là các phường làng trong các quận nội thành mà còn đang “phát triển”; tồn tại ở các “làng xóm” ngoại thành bên cạnh các khu đô thị, khu công nghiệp mới” – ông Hùng mô tả “bức tranh” đô thị.

Trong khi đó, TS. Dương Quốc Nghị, Ban quản lý Dự án, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cũng cảm nhận một bức tranh “màu xám” về các khu đô thị cũ: “Tương phản với các khu đô thị mới cao tầng đường rộng hè thoáng là các khu đô thị cũ xuống cấp theo thời gian, không chỉ quá tải, xấu xí, ô nhiễm, nguy hiểm mà còn gây khó khăn cho dịch vụ đô thị (cứu hỏa, cứu thương), bất tiện trong cuộc sống (điện nước, ma chay, hiếu hỉ, an ninh…).

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì cảnh báo: “Tại nhiều nước phát triển, người ta đã đánh giá lại chính sách triệt phá khu ổ chuột một cách tràn lan, vì khi cư dân được tái định cư thì thay vì trước đây sống trong các túp nhà thiếu tiện nghi trên mặt bằng nay lại hoá ra sống trong “trại tị nạn” theo chiều thẳng đứng! Hiện trạng tái định cư khi thu hồi đất đô thị ở nước ta cũng tương tự”.

Cần cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ

Theo ông Trần Ngọc Hùng, một tồn tại rất lớn trong thời gian qua là công tác lập quy hoạch chi tiết rất chậm, không kịp phục vụ cho quản lý theo quy hoạch đặc biệt Quy hoạch chi tiết khu “phường làng” lại càng chậm hơn không được quan tâm.

“Đây là công việc vừa khó lại không mang lại “hiệu quả” cho người lập quy hoạch, người tham mưu và người duyệt quy hoạch. Vì vậy, họ ưu tiên cho khu, tiểu khu đô thị mới vì vừa đền bù giải phóng mặt bằng thuận lợi, kinh phí thiết kế lớn (lại dễ làm)... Cứ như vậy các khu phường làng bị lãng quên.” – ông Trần Ngọc Hùng phân tích.

Đồng quan điểm cần cải tạo chất lượng sống tại các khu đô thị cũ, TS Dương Quốc Nghị phân tích: Các khu dân cư cũ chiếm phần đáng kể trong quá trình phát triển đô thị. Hiện trạng thấp kém và chậm cải thiện của các khu dân cư này là do việc cải tạo, nâng cấp chưa được quan tâm đúng mức và còn thiếu các chính sách và giải pháp phù hợp để phát triển “đô thị ra đô thị” và bền vững thịnh vượng.

Trong khi đó, theo TS Phạm Sĩ Liêm, không nên xóa đi các khu ổ chuột để xây mới những “nhà tù” kiểu mới, mà nên chỉnh trang, nâng cấp những khu ở cũ để người dân có chất lượng sống tốt hơn.

“Các thể chế phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng trở nên thận trọng đối với chính sách triệt phá tùy tiện khu ổ chuột và khuyến khích sáng kiến “nâng cấp đô thị” với mục tiêu xóa đói nghèo.” - TS Phạm Sĩ Liêm dẫn chứng và khẳng định, trong khi dự án triệt phá khu ổ chuột khiến cộng đồng dân cư đã gắn kết với nhau lâu năm bị xóa sổ thì dự án nâng cấp đô thị lại khiến cho cộng đồng đó trở nên vững chắc hơn.

Tuệ Khanh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.