Việc tăng giá điện, xăng ngay từ những ngày đầu năm khiến nhiều người lo ngại tình hình lạm phát năm 2011 có thể lên cao. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, việc điều hành chính sách tiền tệ hợp lý hoàn toàn có thể giảm tác động của việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu và giảm nguy cơ lạm phát cao.
- Thưa ông, dường như việc điều chỉnh tỉ giá của chúng ta chưa linh hoạt, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, gây nhiều khó khăn cho DN và người dân ?

Tôi cho rằng đợt điều chỉnh vừa rồi Ngân hàng nhà nước cần làm đồng bộ, một mặt điều chỉnh tỉ giá tăng lên, mặt khác sẵn sàng can thiệp bằng ngoại tệ để tỉ giá đứng vững, thậm chí thấp hơn tỉ giá được điều chỉnh.

Bên cạnh đó phải điều chỉnh lãi suất ngoại tệ trên thị trường giảm, tức là làm lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm. Điều này rất đơn giản, nhất là tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ. Ví dụ, ta có thể tăng mạnh từ 3-4% hiện nay lên 10%. Như vậy các ngân hàng thương mại khi huy động được 100 triệu USD tiền gửi phải gửi 10 triệu USD vào Ngân hàng trung ương. Ngay lập tức các ngân hàng này sẽ phải tính tới việc đặt lãi suất cho vay như thế nào để bù vào 10% đã phải nộp cho Ngân hàng trung ương, đồng thời đặt ra lãi suất tiền gửi thấp để bù vào phần gửi vào Ngân hàng trung ương, khi đó lãi suất tiền gửi giảm. Chắc chắn người dân sẽ có sự so sánh giữa gửi ngoại tệ và nội tệ. Trong khi gửi VND với lãi suất lên đến 14%, gửi ngoại tệ chỉ 2-3% thì chắc chắn người gửi tiền sẽ bán USD để gửi VND. Từ đó sẽ dẫn tới tăng cung USD cho thị trường.

Ngoài ra cũng cần giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại. Trạng thái ngoại hối của các ngân hàng này hiện đang quy định là +30% vốn điều lệ. Ví dụ anh có vốn 100 triệu USD có thể mua gom đến 130 triệu USD và khi cần bán anh có thể bán tống bán tháo chỉ còn lại 70 triệu USD. Điều này sẽ làm các ngân hàng thương mại tận dụng đầu cơ kinh doanh.

- Vậy DN cần phải làm gì để vượt qua được những khó khăn hiện nay, thưa ông ?

Nhiều DN nói vui với tôi rằng với tình hình khó khăn hiện nay thì nhà máy chỉ có nước “đắp chiếu” để đấy đi vui xuân. Tôi nghĩ họ nói như vậy cũng có phần đúng, bởi lẽ lãi suất, tỉ giá, đầu vào cao như hiện nay DN khó chịu đựng nổi. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất từ nay tới giữa năm, các DN nên chạy cầm chừng, không chạy hết công suất, vừa để đủ các hợp đồng đã ký, điều chỉnh sản lượng về mức hòa vốn để cầm cự. Phải tới quý III, hoặc quý IV khi tỉ giá xuống mới đẩy mạnh sản xuất trở lại.

Ở thời điểm này mà bảo DN phải xông lên phía trước, phải đầu tư thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chẳng khác nào bắt người ta đi thuyền thúng vượt đại dương.

- Điều ông nói có vẻ mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra, thưa ông ?

Mục tiêu là một chuyện còn thực tiễn năng lực lại là chuyện khác. Chuyện của các trung tâm dự báo và chuyện thực tế cũng có khác nhau. Chẳng hạn nhiều tổ chức tài chính như IMF mỗi tháng dự báo kinh tế thế giới một lần, có khi tháng trước nói tăng, tháng sau bảo giảm, tháng sau nữa bảo không tăng không giảm cho nên tôi cho rằng đó cũng là điều bình thường.

- Theo phân tích của ông, tình hình lạm phát năm nay sẽ như thế nào ?

Chỉ số giá tiêu dùng phụ thuộc rất nhiều vào giảm cung tiền từ đâu, giảm cung tín dụng từ đâu. Năm ngoái cung tiền từ 28%, năm nay 20% là mức giảm rất lớn. Việc giảm cung tiền, cung tín dụng như vậy sẽ tác động kéo giá cả các mặt hàng cũng sẽ giảm mạnh.

Giá điện, giá xăng, tỉ giá hối đoái tăng làm CPI sẽ tăng lên. Cụ thể tỉ giá hối đoái tăng làm CPI tăng khoảng 1,1%, giá điện làm CPI tăng khoảng 0,74%, giá xăng dầu làm tăng 0,54%, tổng cộng ba “món” đó làm CPI tăng khoảng 2,5%.

Tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ sẽ làm lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm xuống, người gửi tiền sẽ bán USD để gửi VND. Từ đó sẽ tăng cung USD cho thị trường.

Ngược lại, giá lương thực thực phẩm tôi cho rằng sẽ làm CPI giảm xuống từ 2,5 – 3% vì giá lương thực thực phẩm đã tăng 6 tháng liên tiếp bởi tác động kép do chu kỳ mất mùa của hiện tượng Elnino và đặc tính mùa vụ từ tháng 10 đến tháng 3. Vì vậy khi vụ thu hoạch sắp tới giá lương thực thực phẩm có thể giảm. Lương thực thực phẩm chiếm 40% giỏ tính CPI nên khi giảm sẽ bù được sự tác động từ các yếu tố tăng giá khác.

Tôi cho rằng, với quy luật lạm phát cả năm thường gấp đôi lạm phát quý I. Lạm phát quý I ước tính khoảng 4,5% như vậy cả năm sẽ từ 9-10%. Các yếu tố làm tăng lạm phát năm nay như tỉ giá, xăng, điện tăng sẽ được bù đắp bởi sự giảm giá của lương thực thực phẩm trong quý 3,4.

- Xin cảm ơn ông !

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland