CafeLand – Tính đến thời điểm hiện tại, vụ việc khách hàng mất một số tiền cực lớn tại Eximbank vẫn chưa ngã ngũ. Trong cơn bão của dư luận lên án Eximbank vì đã “bội tín” với khách hàng thì mới đây Luật sư trưởng của Eximbank đã lên tiếng.

Ngân hàng Eximbank trong vụ mất 245 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Theo đó, vị Thành viên HĐQT, Luật sư trưởng của Eximbank cho rằng: “Sự việc không đơn giản như vậy, Lê Nguyễn Hưng không thể thực hiện được nếu không có sự tiếp sức và thông đồng". Vậy ai tiếp sức ai, ai thông đồng với ai trong vụ lừa đảo này?

Một ngân hàng với tình hình tài chính lành mạnh vẫn có thể sụp đổ nếu người gửi tiền tại ngân hàng đó bỗng chốc mất niềm tin và đến rút tiền ồ ạt. Thực tế, tại Việt Nam trước đây Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã bị khách hàng rút tiền ồ ạt sau những tin đồn bất lợi. Do đó, thông thường những ngân hàng yếu kém, uy tín thấp thì cũng khó thu hút được người gửi tiền và lãi suất ở đây cũng thường cao hơn những ngân hàng uy tín khác để thu hút người gửi tiền.

Vì những lý do đó, niềm tin trở thành một vấn đề sống còn với ngân hàng. Kinh nghiệm cho thấy các ngân hàng trên thế giới thường giải quyết rất nhanh chóng và thường theo hướng có lợi cho khách hàng khi có những vụ việc tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua, có rất nhiều vụ việc liên quan đến việc khách hàng bị lừa đảo rút tiền trong tài khoản tiết kiệm nhưng các ngân hàng giải quyết khá chậm, và phần thiệt cũng thường đứng về phía khách hàng.

Vụ việc khách hàng của Eximbank mất 245 tỷ đồng gây ra một cơn bão trong xã hội và cả giới tài chính. Điều đáng nói là sự việc này đã xảy ra hơn 1 năm nay nhưng giữa 2 bên vẫn không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào vẫn chưa đưa ra tòa án dân sự giải quyết tranh chấp. Như vậy, ắt hẳn trong vụ việc này có khá nhiều khúc mắc những rõ ràng.

Trước sự việc đó, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông Ngô Thanh Tùng, Thành viên HĐQT, Luật sư trưởng của Eximbank cho rằng việc phạm pháp của Lê Nguyễn Hưng là có thật nhưng ông này không thể thực hiện được nếu không có sự tiếp sức và thông đồng. Ngoài ra, vị lãnh đạo Eximbank còn nói “ngân hàng không muốn đưa những vấn đề để có lợi cho mình, bất lợi cho khách hàng ra để dư luận đánh giá trừ khi buộc phải làm vậy trong trường hợp rất cần thiết và theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, dù không trực tiếp khẳng định ai tiếp sức ai, ai thông đồng với ai, tuy nhiên người đọc cũng dễ cảm nhận là vị lãnh đạo Eximbank đang ám chỉ đến khả năng nạn nhân trong vụ chiếm đoạt tài sản khủng này có khả năng cấu kết, tiếp sức với kẻ lừa đảo. Nếu chứng minh được điều này, Eximbank có thể không mất khoản tiền bồi hoàn cho nạn nhân. Không chỉ vậy, nạn nhân cũng có thể bị truy cứu vì đã thông đồng, tiếp sức cho kẻ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản Eximbank. Đây cũng có lẽ là lý do khiến Eximbank “dây dưa” trong việc trả tiền cho nạn nhân.

Tất nhiên, cũng có thể hiểu ý của vị lãnh đạo Eximbank này là ông Hưng được tiếp sức và thông đồng với người được ủy quyền với nhân viên hay lãnh đạo nào đó của ngân hàng này để rút tiền từ tài khoản khách hàng. Tuy nhiên, với trước hợp này thì sự việc sẽ “đơn giản” và Eximbank đã phải trả tiền cho nạn nhân từ lâu.

Có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, khi trong ngày thông tin này được tung ra thì cổ phiếu EIB của Eximbank có một phiên tăng kịch trần với khối lượng giao dịch tăng đột biến? Dù vậy, xét một quá trình dài trong thời gian qua thì Eximbank là cổ phiếu ngân hàng có mức tăng tệ nhất. Không chỉ có vậy, kể từ khi thông tin về vụ mất tiền được công bố, vốn hóa của ngân hàng này đã mất hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, chính vị lãnh đạo của Eximbank cũng thừa nhận, lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm trong thời gian qua.

Năm 2017, thu nhập từ lãi thuần Eximbank đạt 2.667 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này lại đạt 822 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm trước. Tiền gửi Eximbank cũng tăng 17% so với cùng kỳ đặt 117 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu của Eximbank trên sổ sách dưới 3%, nếu tính của nợ đã bán cho VAMC còn khoảng 7%, tương đương hơn 7.000 tỷ đồng, bằng gần 2/3 vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Kết quả kinh doanh của Eximbank được cải thiện nhưng mức cải thiện này cũng thấp so với rất nhiều ngân hàng khác. Giá cổ phiếu của Eximbank cũng chỉ tăng ở mức khá khiêm tốn so với nhiều ngân hàng khác.

Vụ mất 245 tỷ đồng: Ông Hưng lừa đảo Eximbank hay bà Bình?

Eximbank công bố thông tin về vụ khách tố mất 245 tỷ đồng

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về vụ mất 245 tỷ tại Eximbank

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.