Giữa thời điểm Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, dân cư nội đô tăng chóng mặt thì việc đề xuất xây các công trình từ 40-70 tầng ở khu vực hạn chế chiều cao được các chuyên gia cảnh báo sẽ tác động lớn đến công tác quản lý đô thị. Trong khi đó, một số nhà đầu tư sẽ tham gia dự án bất động sản (BĐS) ở khu vực này cho rằng, việc nâng tầng vượt “trần” mới chỉ là điều kiện cần.
Với tình trạng xây dựng cao ốc tràn lan đang gây áp lực lớn hệ thống giao thông, nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành các quy định khi xây dựng dự án nhà cao tầng phải có đánh giá sức chịu tải của hạ tầng giao thông.
Xây cao ốc cần đánh giá tác động giao thông
Theo ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhiều năm qua, Sở này không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc. Bởi lẽ, trong thủ tục hành chính không có yêu cầu lấy ý kiến của sở do sợ kéo dài thời gian và gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của nhà đầu tư.
Do đó, tình trạng xây dựng cao ốc tràn lan trên các tuyến đường chưa được đầu tư mở rộng đúng quy hoạch đã dẫn đến áp lực giao thông gia tăng trên nhiều khu vực đông dân cư.
Tình trạng xây dựng cao ốc tràn lan đang gây áp lực lớn hệ thống giao thông
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chuyển cho Sở góp ý kiến về các dự án xây dựng cao ốc khu dân cư. Theo đó, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn đánh giá tác động về giao thông và sau đó cùng Nhà nước mở rộng đường... giải quyết giao thông.
Không chỉ vậy, theo UBND TP.HCM, sắp tới các công trình xây dựng cao ốc, chung cư sẽ được xem xét đánh giá tác động về hạ tầng giao thông trước khi cấp phép xây dựng.
Cụ thể, việc xem xét cấp phép xây dựng chung cư ngoài việc bắt buộc đáp ứng các vấn đề quy hoạch, chỉ tiêu kiến trúc như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, đánh giá tác động môi trường… thì sắp tới sẽ được xem xét đánh giá tác động về giao thông. Các dự án phải đáp ứng được tất cả các tiêu chí mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất và cấp phép xây dựng.
Việc đánh giá tác động giao thông sẽ được Sở Giao thông vận tải TP.HCM thực hiện. Sở này sẽ thuê đơn vị tư vấn đề xuất quy trình xem xét quy mô, phạm vi dự án, tác động về giao thông. Từ đó, chủ đầu tư sẽ phân kỳ thực hiện dự án sao cho phù hợp với hạ tầng giao thông.
TS Võ Kim Cương - Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM lo ngại việc này sẽ tạo ra thêm giấy phép con, mà chủ đầu tư sẽ phải gánh chịu. Bởi lẽ, hiện nay, doanh nghiệp muốn được cấp phép xây dự án sẽ phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Chỉ một giấy phép xây dựng nhưng phải qua nhiều cơ quan, từ Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc rồi lại sang Sở Giao thông vận tải. Điều này sẽ nảy sinh ra nhiều tiêu cực, phiền hà hơn cho doanh nghiệp.
Cần sớm có luật đánh giá về tác động giao thông
Theo ông Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề xuất này của thành phố là tốt, thế nhưng khi đi vào thực tế thì cần áp dụng một cửa - một dấu. Có nghĩa là doanh nghiệp xin cấp quy hoạch thì UBND quận huyện, thị xã phải có trách nhiệm tổ chức mời các Sở như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Giao thông vận tải về họp xét duyệt.
Nếu hồ sơ nào đáp ứng được yêu cầu của các Sở, có đánh giá tác động giao thông, hạ tầng xã hội thì đồng ý quận ký và cấp giấy phép luôn. Còn nếu hồ sơ nào không đủ yêu cầu thì trả lại để doanh nghiệp bổ sung hoặc từ chối cấp phép, như vậy sẽ giảm thời gian đi lại và tiền bạc cho doanh nghiệp.
“Chỉ trong lĩnh vực xây dựng; để duyệt 1/500 dự án nhà ở thì doanh nghiệp phải qua các giấy tờ qua lại từ quận, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, có khi đến cả UBND thành phố, trong khi việc này chỉ cần một buổi họp có ý kiến các Sở thay vì cần các văn bản qua lại mất đến cả năm trời”, ông Đực nói thêm.
TS Võ Kim Cương lại cho rằng giải pháp căn cơ hiện nay là thành phố phải tập trung vốn, đất đai phát triển hạ tầng giao thông mới giải quyết được vấn đề kẹt xe. Đối với đô thị đặc biệt và đông dân như TP.HCM thì cấp thẩm quyền cần ưu tiên vốn phát triển giao thông để tạo động lực, năng lực mới cho thành phố.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành, thể chế hóa quy định đối với các dự án nhà cao tầng phải có đánh giá sức chịu tải của hạ tầng giao thông. Khi xem xét phê duyệt quy hoạch phân vùng chi tiết, phải yêu cầu chủ đầu tư nêu rõ được tác động của dự án đối với hạ tầng. Trong lập quy hoạch phải đảm bảo chất lượng, phải dự báo được tốc độ đô thị hóa, áp dụng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phải đúng quy định.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM lại nhận định, cần phải sửa luật về đánh giá tác động giao thông, môi trường theo hướng Nhà nước tự bỏ tiền ra, thay vì doanh nghiệp chạy đi xin giấy, sau đó nộp lại cho cơ quan Nhà nước để xét duyệt.
Ông Hiệp cho rằng đây là trách nhiệm của nhà nước đối với người dân. Cơ quan Nhà nước cần thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá tác động môi trường, dựa vào kết quả đó để cơ quan thẩm quyền kết luận có hay không cấp phép cho công trình. Chi phí thuê đơn vị đánh giá do nhà nước chi trả, nếu không có tiền thì tính lại cho chủ đầu tư.
Vì vậy, khi cơ quan nhà nước đã cấp phép cho một công trình đã đánh giá tác động đầy đủ, nếu vẫn xảy ra kẹt xe thì người cấp phép đó phải chịu trách nhiệm.
Diệu Thủy (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.