Mức giá đất quy định thấp cho thấy nhóm lợi ích hiện nay quá lớn. Chính nhóm lợi ích đang cản lại quá trình cải cách hệ thống thuế, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường nhận định.

Nghị định của Chính phủ có hiệu lực từ 29/12 quy định mức giá tối đa đối với đất tại các đô thị là 162 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá tăng gấp đôi so với mức giá tối đa hiện hành (81 triệu đồng/m2, khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ).

Bảng giá đất do UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định mức giá đất ở khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ của quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất 162 triệu đồng/m2, bằng khung giá tối đa của Chính phủ quy định.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường có một số quan điểm về việc này.


Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Thưa ông, ông có đánh giá gì về mức giá đất Hà Nội mới ban hành?

Theo tôi khung giá tối đa ít nhất phải là 600 – 700 triệu đồng/m2. Thế nhưng giờ chúng ta mới “bò” lên được tới 162 triệu đồng/m2 trong khi giá thực cao hơn thế rất nhiều.

Mức giá quy định thấp hơn giá thị trường như thế có ảnh hưởng gì, theo ông?

Mức giá quy định thấp nên mức thuế cũng quá thấp sẽ phát sinh đầu cơ. Vì anh giữ đất mà không mất chi phí nào nhiều cả nên mới giữ nhiều. Khi phải nộp thuế cao, anh sẽ phải tính nên giữ cái gì, bỏ cái gì.

Xin ông giải thích cụ thể hơn?

Mức giá đất quy định sẽ quyết định mức thuế mà người sử dụng đất phải chịu. Với mức giá đất 162 triệu đồng/m2, người sử dụng phải chịu mức thuế sử dụng đất gấp đôi ở các khu đất vàng như phố cổ, bờ hồ… so với mức giá trước đây là 81 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, mức thuế này vẫn là thấp vì tính ra mỗi 100m2 họ chỉ phải nộp 1 triệu đồng/năm. Như thế không đáng gì. Doanh nghiệp hiện nay không có khái niệm phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vì nó quá thấp. Và như thế sẽ dẫn tới đầu cơ đất vì giữ rất nhiều mà phải trả thuế rất ít.

Điều gì khiến giá đất quy định giờ này mới “bò” tới 162 triệu đồng/m2 như ông nói?

Ì ạch như thế mới thấy rằng nhóm lợi ích hiện nay quá lớn. Chính nhóm lợi ích đang cản lại quá trình cải cách hệ thống thuế. Nhóm lợi ích như người ta vẫn nói là sự liên kết giữa chủ đầu tư và cán bộ nhà nước, tạo ra bước cản nhất định cho quá trình đổi mới để mang lại tính công bằng cho xã hội. Đầu cơ là hiện tượng bất công bằng.

Có ý kiến cho rằng nông dân thu nhập kém nên thuế đất cũng nên thấp, ông đánh giá như thế nào?

Nhiều người lấy lý do nông dân ta thu nhập kém nên thuế đất thấp, vậy sao không miễn thuế cho nông dân. Bây giờ thuế sử dụng đất chủ yếu tập trung ở đô thị. Và đánh thuế cao lên thì những người nắm các khu đất vàng sẽ phải nộp thuế cao và khu đất vàng sẽ được sử dụng tốt hơn. Anh phải khai thác triệt để được nó thì mới nộp được thuế. Anh có khu đất đó nhưng cứ dửng dưng thì chẳng bao giờ sử dụng hiệu quả cả.

Với mức giá đất tối đa cao gấp đôi so với lần trước như hiện nay, liệu có đẩy lùi được nạn đầu cơ, theo ông?

Dù là tăng gấp đôi nhưng cũng không có gì là nhiều so với giá thực. Thực tế các khu đất vàng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xấp xỉ 700 – 800 triệu đồng/m2. Tóm lại chỉ vì nhóm lợi ích. Và nhóm đó sẽ là những chủ đất rất lớn sau này nhờ đầu cơ, giữ đất. Đó là điều không tốt vì công bằng trong tiếp cận đất đai là nguyên tắc quan trọng nhất chúng ta phải đảm bảo.

Xin cảm ơn ông!

Mai Tân (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.