Phần đất của bà Nguyễn Thị Thay (146/8, khóm 5, tổ 72, phường Mỹ Phước) thừa hưởng của dòng tộc sử dụng từ năm 1965, trong nhiều năm qua đã bị một nhóm người ngang nhiên chiếm đoạt. Mặc dù không có chứng cứ nhưng chính quyền địa phương vẫn đưa nhóm người này tham gia hòa giải, bao che cho việc sử dụng đất bất hợp pháp!

Hùa nhau chia đất!

Diện tích 3,21 ha đất tọa lạc tại phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang là do ông Đỗ Văn Khương đứng tên sổ địa bộ bằng khoán số 571, số lô 158 (văn bản Trích lục – Địa bộ ngày 14/9/1988 của Ban Quản lý ruộng đất tỉnh An Giang). Năm 1965, bà Nguyễn Thị Thay thừa hưởng được một phần đất trong diện tích trên. Năm 1998, bà Nguyễn Thị Bảy đến xin bà Thay dựng nhà lá, ở nhờ trên phần đất diện tích 46,1m2. Tháng 9/2012, sau khi bà Bảy mất, bà Trần Thị Ngọc Triệu, xưng là con gái của bà Bảy đến chiếm dụng đất và cho bà Nguyễn Thị Cẩm Tú thuê từ đó đến nay!
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thay
Trong quá trình bà Bảy ở nhờ, năm 1999, ông Lê Phước Chủ đến thuê đất bà Bảy mở quán cà phê, sử dụng gian bếp diện tích khoảng 6m2 của bà Bảy để ở. Theo đó, ông Chủ tự ý cơi nới rộng thêm. Năm 2010, bà Bảy viết giấy tay trả đất. Năm 2007, ông Chủ lén lút đưa 05 cái quách chôn trên phần đất của bà Thay làm tăng thêm diện tích đất chiếm dụng là 131,9m2.

Tham gia tranh chấp đất đối với bà Thay còn có người hàng xóm là bà Lý Kim Ký. Theo người dân trong khu vực thì bà Lý Kim Ký từ sau năm 1975 đến ở nhờ nhà của bà Hiếu, em chồng của bà Xuyên Dảnh, sau đó bà Xuyên Dảnh viết giấy cho bà Ký ở. Hiện tại bà Ký đang xin cấp GCN QSDĐ và tự ý cắm ranh lấn qua phần đất của bà Thay. Trước việc làm ngang ngược của cả nhóm người, rắp tâm cướp đất của bà, bà Thay liên tục gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Bà Thay chỉ nhận được sự im lặng kéo dài.

Chính quyền thiếu kiên quyết!

Ngày 17/5/2007, UBND phường Mỹ Phước mời bà Thay và ông Chủ đến tham gia “đối thoại”. Tại Biên bản đối thoại cùng ngày, bà Thay không đồng ý cho ông Chủ tiếp tục để 5 ngôi mộ vì đây là đất ở của bà chứ không phải nghĩa địa. Bà đề nghị chính quyền di dời phần mộ này. Ông Chủ khẳng định đến ở trên đất này từ năm 1995, đất do bà Nguyễn Thị Bảy cho nhưng không có chứng cứ gì. Về phần mộ, ông Chủ cho rằng: “Nếu sau này bà Thay chứng minh được phần đất này của bà thì tôi sẽ di dời mấy ngôi mộ đi chỗ khác”. Sau đối thoại, vụ việc vẫn đi vào bế tắc.

Sau nhiều năm im lặng, ngày 13/6/2012, UBND phường lại tiến hành hòa giải. Tại Biên bản hòa giải lập cùng ngày cho thấy bà Thay đưa ra hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc phần đất, giấy trả đất của bà Bảy và yêu cầu ông Chủ trả đất. Không có chứng cứ gì, ông Chủ chỉ phủ nhận “Tường trình của bà Thay không đúng sự thật”!.
Ngày 4/7/2012, UBND phường tiếp tục mời bà Thay, ông Chủ tham gia hòa giải. Ngoài việc chứng minh phần đất của mình bằng hồ sơ pháp lý, bà Thay còn cho biết năm 2010, sau khi viết giấy trả đất, bà Bảy xin tiếp tục được ở thêm và có đưa ra điều kiện khi nào bà Thay bán được đất sẽ cho bà Bảy một số tiền để di dời và dưỡng già. Vào năm 1999, ông Chủ mướn một phần đất của bà Bảy để bán cà phê và ăn ở phía nhà sau. Tuy nhiên ông Chủ không chúng minh được cơ sở nào bà Bảy cho ông ..

Sau khi bà Bảy mất, bà Trần Thị Ngọc Triệu đến “thừa kế”, tranh chấp xảy ra. Ngày 31/1/2013, UBND phường tiến hành hòa giải tranh chấp đất giữa bà Thay và bà Triệu. Bà Triệu không có chứng cứ nào về nguồn gốc đất mà chỉ quanh co: “Đầu năm 2012, mẹ tôi bệnh nên đưa mẹ về nhà tôi nuôi và tôi quản lý căn nhà của mẹ tôi từ thời điểm đó, đến tháng 9/2012 mẹ tôi mất, tôi cho cơ sở Năm be thuê nhà trước khi mẹ tôi mất, tôi không nhớ cho thuê nhà tháng nào nhưng trong năm 2012”!
Nhân cơ hội tranh chấp này, bà Lý Kim Ký có nhà đất tiếp giáp tự ý đóng cọc ranh lấn qua đất của bà Thay! Ngăn cản không cho đoàn cán bộ đo đạc làm việc. Như vậy cùng một lúc, một mình bà Thay phải đối phó với nhiều người trong việc bảo vệ phần đất của mình. Điều đáng lưu ý là tất cả các đối tượng chiếm dụng, tranh chấp đều không chứng minh được nguồn gốc đất của mình.

Nếu cơ quan thẩm quyền công tâm giải quyết thì vụ việc đã kết thúc từ ngày bà Bảy trả đất cho bà Thay. Tuy nhiên, chính quyền đã thiếu kiên quyết ở trong chính các cuộc hòa giải.
Ngay lời khai thời điểm ở trên đất của bà Bảy, ông Chủ lại thiếu trung thực, tại Biên bản đối thoại ngày 17/5/2007 thì khai năm 1995 nhưng tại BBHG ngày 4/7/2012 thì khai năm 1990. Hành vi lén lút hình thành một lúc nhiều ngôi mộ của ông Chủ có mục đích gì? Nguồn gốc 5 chiếc quách từ đâu? Trong quách chứa vật gì? Tự tạo lên một “nghĩa địa” nhằm hợp thức hóa sở hữu phần đất chiếm dụng của bà Thay?
Nhóm PVPL (Nhà báo & công luận)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.