Thăm một số chung cư tái định cư trên địa bàn TP. Hà Nội, chúng tôi có cảm giác “tuổi thọ” những nơi này đã lên tới cả chục năm, mặc dù mới được đưa vào sử dụng từ 3-5 năm. Nơi thì cắt điện thường xuyên, nơi hỏng hóc hệ thống thang máy, đèn đường, đường ống dẫn nước...
Chung cư tái định cư: Xấu cả
Mặc dù mới sử dụng vài năm nhưng tường nhà đã bị mốc do thấm nước...

"3 không và 4 nát"


Nhiều hộ dân đã tả bức tranh nhà tái định cư của Hà Nội hiện nay là "3 không, 4 nát": không đường giao thông, không điện, không nước sạch; trần nát, tường nát, thoát nước nát, cửa nát và không đảm bảo an ninh.


Ngành xây dựng những năm qua đã có nhiều thành tựu đáng kế về chất lượng cũng như sự quản lý của đơn vị đầu tư. Tuy nhiên, chất lượng một số khu tái định cư hiện nay vẫn ở mức đáng báo động. Những khiếm khuyết thường gặp của các chung cư tái định cư là nền tầng trệt thường bị lún do quá trình san lấp và thi công cùng một lúc, chưa đủ thời gian cố kết ở các vùng đất, các đầu hồi nhà hay bị rạn nứt do nhiệt hoặc mảng tường quá lớn; hệ thống điện nước, cầu thang đều nhanh chóng xuống cấp.


Vào bên trong các chung cư này là tình trạng thiếu điện nước, nhà ẩm mốc, tường nứt, khu sinh hoạt chung xuống cấp, trần và tường nhà bị ngấm nước; các thiết bị điện nước, khóa cửa, cửa các loại không tốt; tường các khu vệ sinh thường bị nứt và sàn bị thấm; hệ thống thoát nước thải không tốt, dễ gây thấm ở các hộp gen, nghẹt cống do thiếu các hố ga.


“Chúng tôi đang phải dùng nước giếng khoan của các đơn vị thi công. Thang máy đã hỏng cả tháng nay mà ban quản lý tòa nhà chưa sửa được. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm do rác thải diễn ra triền miên. Trước khi chuyển về đây, chúng tôi được chủ đầu tư cho biết các hạng mục đã được hoàn thiện đầy đủ, nhưng thực tế, ngay cả điện cũng bị cắt thường xuyên. Trẻ con và người già rất khổ khi mùa hè tới” , bác Vịnh - một hộ gia đình đang sống tại chung cư tái định cư khu Dịch Vọng kêu ca.


Theo quan sát của PV, nhìn bề ngoài, màu sơn của tòa nhà còn khá mới nhưng tường của căn hộ đã nứt nẻ, cửa gỗ cong vênh. Tại nhiều hộ, lớp vữa tường bong cả mảng, gây nguy hiểm cho người dân sống trong tòa nhà.


Không chỉ khốn khổ trong ngôi nhà dột nát, người dân khu tái định cư còn nơm nớp trước mối đe dọa trộm cắp. Việc đường sá chưa làm đã biến các khu tái định cư thành ốc đảo, vắng người qua lại, cộng thêm không có bảo vệ và hậu quả là các đối tượng nghiện hút thường vào đây xin đểu, trộm cắp. Niềm tin của người dân với ban quản lý tòa nhà giảm sút, tâm trạng bức xúc, mệt mỏi.


Điểm qua các khu chung cư tái định cư khác như Đền Lừ, Định Công, Nam Trung Yên… có thể thấy bức tranh chung của những nơi này đều trong tình trạng tương tự. Hàng nghìn hộ dân chưa kịp làm quen nơi ở mới đã phải đối mặt với tình trạng chất lượng cuộc sống, môi trường và cảnh quan sụt giảm nghiêm trọng.


Chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”


Có thể nhận thấy hầu hết các khu nhà tái định cư hiện nay ở Hà Nội đều chung tình trạng lún nứt, xuống cấp ngay từ giai đoạn đầu sử dụng. Mức đầu tư thấp, chạy đua tiến độ do sức ép giải phóng mặt bằng của thành phố… đã khiến nhà chung cư tái định cư ở Hà Nội lâm vào tình trạng trên.


Trên thực tế, việc xây dựng các khu nhà ở theo dự án đã có nhiều kinh nghiệm hay, nhưng không được áp dụng triệt để trong xây dựng nhà tái định cư. Chẳng hạn, một số khu tái định cư hiện vẫn chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ mặc dù các khối nhà đã đưa dân vào ở. Khâu quản lý công trình khi đưa vào sử dụng cũng chưa được quan tâm. Nhiều chủ đầu tư đưa dân về ở theo kiểu "đem con bỏ chợ" khiến ai nấy vô cùng bức xúc.


Công tác phối hợp giữa các đơn vị như chủ đầu tư công trình, điện, nước, hạ tầng giao thông… cũng không ăn khớp khiến chất lượng sống người dân sau tái định cư bị ảnh hưởng. Điều đó dẫn đến việc di dời, giải tỏa để thực hiện các dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn.


Suất đầu tư cho phần hoàn thiện trong các công trình chung cư tái định cư hiện rất thấp. Mức đầu tư thấp dẫn đến lương công nhân thấp, không tuyển dụng được thợ lành nghề để thi công xây dựng. Thực tế cho thấy hạ tầng kỹ thuật của loại hình chung cư tái định cư chưa được đầu tư đúng mức. Người dân, hoặc vì không có điều kiện kinh tế, hoặc không có nhiều lựa chọn nên buộc phải tiếp tục sinh sống.


Trông đợi lớn của người dân hiện nay là hình thành cơ chế 3 bên cùng giám sát công trình và sự hoạt động hiệu quả của giám định độc lập bên thứ ba. Phải có sự giám sát và kiểm tra về thiết kế nhà cao tầng, đặc biệt là cơ cấu căn hộ và hệ thống thiết bị như thang máy, cấp thoát nước, hệ thống xử lý rác thải... Phòng vệ sinh, bếp cần được bố trí hợp lý; phải có quy định các loại cửa sổ, lan can lô gia, ban công phù hợp với sự an toàn của nhà cao tầng, nhất là khi có tai nạn, hỏa hoạn xảy ra.


Tiêu chí để đánh giá chất lượng chung cư không chỉ dừng ở đầu tư xây dựng mà còn ở khâu vận hành, quản lý trong quá trình sử dụng. Chất lượng nhà chung cư tái định cư phải được đơn vị đầu tư ý thức, rằng đó không chỉ vì sự an toàn của công trình mà còn phải bảo đảm môi trường sống tốt đẹp, trong lành cho người dân.


Theo Thùy Dương (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0