Áp lực trả nợ trước thời điểm các ngân hàng thương mại phải thực hiện giảm hạn mức tín dụng phi sản xuất về mức 22% khiến các chủ đầu tư bất động sản chạy đua hút vốn từ khách hàng bằng mọi giá.
Quyết liệt nhất trong việc hút vốn đầu tư từ khách hàng đã đăng ký mua bất động sản phải kể đến chủ đầu tư Dự án UsilkCity (Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Sông Đà Thăng Long (STL) đã quyết định tặng thêm một diện tích đáng kể sàn thương mại cho những người mua căn hộ, nếu các chủ đầu tư thứ cấp này chấp nhận đóng toàn bộ số tiền còn lại của hợp đồng mua bán căn hộ, thay vì đóng thành từng đợt như các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Đây là sự ưu ái mà trước kia khách hàng có nằm mơ cũng không thấy.

Chương trình giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng xảy ra ở bất kể dự án bất động sản lớn nhỏ nào, kể cả những dự án của các chủ đầu tư nổi tiếng kiêu kỳ như Khu đô thị Eco Park của Vihajico. Cuối tháng 4/2011, đơn vị bán hàng độc quyền cho Dự án Eco Park là Công ty TNHH Savills Việt Nam đã quyết định giảm giá 12%, chiết khấu trực tiếp vào giá bán. Không dừng lại ở đó, đến cuối tháng 5/2011, dự án này lại tiếp tục giảm 10% giá căn hộ trong đợt mở bán sau, đưa mức giá bán khởi điểm căn hộ tại dự án này xuống chỉ còn 18 triệu đồng/m2.

Ở thời điểm này, khách hàng đăng ký mua căn hộ (chung cư), đất nền (biệt thự, nhà liền kề) tại hầu hết các dự án đều nhận được những khoản khuyến mãi lớn từ chủ đầu tư. Ít nhất là các khoản giảm giá từ 5 đến 10% đối với khách mua chung cư, đồng thời cam kết các khoản tín dụng với lãi suất cố định khoảng 18%/năm, tuỳ từng dự án. Đặc biệt nhất phải kể tới việc tặng các gói nội thất trị giá từ 200 triệu đồng đến cả tỷ đồng cho khách hàng mua đất nền, biệt thự, nhà liền kề…, tất nhiên sẽ phải kèm theo các điều kiện xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), diễn biến trên của thị trường địa ốc là hệ quả của việc Ngân hàng Nhà nước tiết giảm hạn mức tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất của các ngân hàng thương mại (bao gồm cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản). Do thời điểm thực thi chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước đã gần kề (ngày 30/6/2011), nên các chủ đầu tư phải mạnh tay hút vốn để trả nợ ngân hàng và giảm thiểu các khoản tín dụng phải vay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2010, tổng dư nợ cho vay phi sản xuất của toàn ngành ngân hàng là khoảng 431.000 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ; trong đó có 18 ngân hàng có dư nợ lĩnh vực phi sản xuất dưới 25%, còn 24 ngân hàng có dư nợ cho vay phi sản xuất từ 25% trở lên.

Trong khi các ngân hàng TMCP vẫn đang cố gắng thuyết phục Ngân hàng Nhà nước không tính các khoản cho vay bất động sản là tín dụng phi sản xuất và kéo dài thời gian có hiệu lực khống chế hạn mức tín dụng 22% đối với lĩnh vực này, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra kiên quyết thực hiện các biện pháp giảm tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát. Trong buổi làm việc ngày 30/5/2011 với lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần khu vực phía Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép kéo dài thời hạn khống chế tín dụng phi sản xuất về mức 22% sau ngày 30/6.

Với động thái đó của Ngân hàng Nhà nước, cuộc đua của các chủ đầu tư dự án bất động sản trong việc tăng cường hút vốn từ các khách hàng mua căn hộ chắc chắn còn rất quyết liệt.

Theo Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0