Bộ Xây dựng vừa xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có điểm rất đáng chú ý là chỉ số giá nhà trên thu nhập của người dân Việt Nam đang ở mức từ 24,5 đến 26,6- cao hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới.

Đây là nguyên nhân chính dẫn tới một sự thực khó chấp nhận là hầu hết những viên chức làm công ăn lương gần như làm cả đời cũng không thể mua được nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, chỉ số giá nhà trên thu nhập của người dân được hiểu là giá của 1 căn nhà so với tổng thu nhập trong một năm của mỗi người. Với chỉ số như đã nêu trên, nếu không ăn không tiêu, dành toàn bộ tiền lương cho việc tạo lập chỗ ở thì người làm công ăn lương ở nước ta phải mất tới 24,5 - 26,6 năm mới mua được nhà.

Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, trung bình người dân trên thế giới chỉ phải mất 3 - 4 năm. Tỷ lệ này tại rất nhiều các nước khác đều thấp hơn nhiều so với ở nước ta. Chẳng hạn như: khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á 4,14, châu Phi 2,21, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ 6,25, Mỹ La-tinh và Caribe 2,38,...

Tại nhiều hội nghị gần đây về thị trường nhà ở và bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, nếu chỉ trông vào thu nhập từ lương hiện nay chắc chắn không ai có thể mua được nhà tại các đô thị lớn, kể cả đó là nhà dành cho người có thu nhập thấp.

Theo ông, với những người mà tất cả các chi phí đều trông cả vào lương tháng vài triệu đồng thì dù có tiết kiệm lắm may ra mỗi tháng cũng chỉ tiết kiệm được trên dưới 1 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với giá những căn hộ trên 1 tỉ đồng, thậm chí là căn hộ thu nhập thấp có giá 400 - 500 triệu đồng đang chào bán trên thị trường Hà Nội và các thành phố lớn khác.

Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng cho thấy, dù từ năm 1991, Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào tiền lương để người làm công ăn lương tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở cho bản thân và gia đình, tuy nhiên, cơ cấu tiền nhà tính trong tiền lương mới đạt từ 8 - 10%.

Trong khi đó, chi phí cho nhà ở ngày càng lớn so với mức tiền lương thực tế được chi trả. Thời gian vừa qua, những người hưởng lương từ ngân sách, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có khả năng tạo lập chỗ ở cho mình và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Về chính sách phát triển nhà ở cho người dân, dự thảo chiến lược cũng chỉ ra những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở được ban hành trước đây chỉ thông qua các ưu đãi cho từng dự án, thông qua các doanh nghiệp kinh doanh nhà mà chưa trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng.

Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng nhiều đến việc phát triển nhà ở thương mại, nhà ở có tiện nghi cao, thu hồi vốn nhanh mà chưa quan tâm đến phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở như: cán bộ, công chức, những người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc các khu kinh tế.

Đối với chất lượng nhà ở, môi trường sống, trong thời gian qua đã phát triển khá nhanh, nhưng ngoài các khu vực phát triển nhà ở theo dự án là được quan tâm về chất lượng, môi trường sống, kiến trúc, cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng, thì đối với các khu vực khác, đặc biệt là tại vùng nông thôn thì nhìn chung chất lượng nhà ở, tiện nghi sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề khác từ quy hoạch, quy mô, kiến trúc, chính sách tài chính, hoạt động của thị trường nhà ở,... đều còn rất nhiều bất cập.

Chính vì vậy, theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở pháp lý để Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy lĩnh vực nhà ở phát triển, tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp là hết sức cần thiết.
Cafeland.vn - Theo Giaothongvantai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland