Hà Nội cam kết sẽ phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, sớm đưa vào sử dụng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô.
Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi làm việc với Tổng cục Kho Bạc Pháp, Cơ quan phát triển Pháp, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư châu Âu là các nhà tài trợ dự án metro số 3, tuyến Ga Hà Nội-Nhổn chiều 9/12.
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội hiện đã hoàn thành, ký hợp đồng được 7/9 gói thầu xây lắp, thiết bị chính của dự án. Theo đó, đối với các gói thầu xây lắp, nhà thầu đã thi công được 58,6% khối lượng gói thầu 01; 30% khối lượng gói thầu 02; gói thầu 03 sẽ được khởi công trong tháng 12/2016; gói thầu 04 đã hoàn thành và đang thử nghiệm hạ tầng cơ sở để thanh lý hợp đồng; gói thầu 05 đã thi công được 40%. Các gói thầu thiết bị gồm gói thầu 07 về hệ thống kiểm soát môi trường, thang máy phòng cháy chữa cháy và thoát nước đã được khởi công ngày 26/4/2016. Gói thầu 08 về hệ thống ray sẽ được triển khai khởi công trong tháng 12/2016.
Tuy nhiên, gói thầu 06 về mua sắm đầu máy toa xe và hệ thống cơ điện và gói thầu 09 về hệ thống thẻ vé chưa được triển khai. Các gói thầu xây dựng của dự án cũng đang gặp khó khăn về tài chính do vướng mắc về trần giải ngân vốn ODA. Các hóa đơn thanh toán tồn đọng, ước tính hơn 690 tỷ đồng. Một số nhà thầu đang triển khai thi công (CP01, CP02) đã có văn bản yêu cầu Ban khẩn trương giải ngân cho nhà thầu để không làm ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu. Hiện nay, các hóa đơn thanh toán của nhà thầu (IPC) đã được Ban Quản lý và tư vấn xác nhận khối lượng và giá trị thanh toán, chuyển kho bạc xem xét trước để đẩy nhanh tiến độ thanh toán ngay sau khi có quyết định bổ sung vốn ODA của UBND TP. Hà Nội.
Cố gắng triển khai đúng tiến độ
Các nhà tài trợ đều khẳng định dành nguồn vốn ưu đãi cho dự án. Đến nay lũy kế giải ngân ODA cho dự án đạt 113,25 triệu Euro/899 triệu Euro. Theo đại diện nhà tài trợ ADB, ông Norio Saito, để bảo đảm tiến độ dự án cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, di dời công trình nổi, ngầm và quan trọng là cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa Thành phố và các sở, ngành.
Đặc biệt, về vướng mắc trong việc giải ngân, với tầm quan trọng của dự án này, ADB sẽ đề xuất Chính phủ Việt Nam ưu tiên vốn, bảo đảm chi trả đầy đủ cho các nhà thầu, bên cạnh đó ADB cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội bảo đảm các nguồn lực nhất là về tài chính cho dự án. Các nhà tài trợ cũng đề nghị không điều chỉnh thiết kế của Ga số 12 vì nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố và nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cảm ơn các nhà tài trợ và khẳng định mong muốn, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, từ đầu năm 2016, Thành phố đã rà soát và thay thế Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội bằng người có năng lực, kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án giao thông. Nhờ đó, các công việc được triển khai nhanh chóng, khoa học, đúng quy trình.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đã giao toàn bộ vấn đề này cho UBND các quận, huyện có dự án metro 3 đi qua, thành lập các Ban Giải phóng mặt bằng, thống nhất không cần giải phóng hết mặt bằng mới thi công mà thực hiện song song, vì vậy chắc chắn tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện nhanh hơn. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết thêm, người dân sẽ được tái định cư tương đương giá nhà ở thương mại. "Vừa rồi Thành phố đã triển khai cách làm này ở công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long với 800 hộ dân chỉ 4 tháng đã đạt 40%", ông Chung dẫn chứng.
Về vấn đề giải ngân, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định thời gian qua, tất cả các dự án ODA đều chậm chứ không riêng dự án này và tuần tới UBND Thành phố sẽ có buổi làm việc với Bộ Tài chính để đẩy nhanh việc này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, lãnh đạo Thành phố xác định gói thầu CP06 là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ các gọi thầu khác. Với tinh thần cầu thị, Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt làm việc với nhà thầu để thống nhất, sớm ký kết thực hiện gói thầu này. Kết quả thương thảo mới nhất đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để ký kết gói thầu này trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, trong gói thầu CP06 có hạng mục sản xuất 40 toa xe. Hiện nay giá các toa xe này cao hơn từ 1,6 đến 2 lần giá chung của các tuyến metro ở Việt Nam và các nước trong khu vực, làm đội giá thêm gần 1.000 tỷ đồng. “Do đó chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này bởi đầu tư công phải rất thận trọng. Nếu dự án không hiệu quả chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm với nhân dân. Tôi mong muốn các nhà tài trợ ủng hộ phương án chậm nhưng chắc chắn hiệu quả”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Thùy Linh (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.