Chậm nhất trước ngày 25/4, các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng phải gửi quy chế quản lý nợ của đơn vị mình về liên Bộ Tài chính – Xây dựng.

Các ông lớn nhà nước đang ôm một khoản nợ khổng lồ. Ảnh minh họa

Cùng với sự ảm đạm của nền kinh tế nói chung, không ít khó khăn chung vẫn tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp ngành xây dựng đặc biệt là thị trường bất động sản.

Việc thị trường bất động sản hiu hắt trong cả thời gian dài đã khiến cho hầu hết những "ông lớn" nhà nước trong lĩnh vực này lao đao với việc phải ôm hàng nghìn tỷ đồng tồn kho, những khoản nợ "khủng" thậm chí lên tới nhiều nghìn tỷ đồng khó có thể trả.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 206/2013/NĐ-CP ngày 9/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nhằm thực hiện Nghị định 206 của Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có một công văn quan trọng gửi các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc (loại hình Tổng công ty TNHH MTV) nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra được quy chế quản lý nợ của doanh nghiệp mình.

Để thực hiện nội dung nêu trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị là công ty mẹ, tổng công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ thực hiện lên phương án chi tiết dựa trên căn cứ quy định một số văn bản quan trọng đã được ban hành trước đó.

Cụ thể, những quy định về quản lý nợ của doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định số 206 của Chính phủ ban hành ngày 9/12/2013;

Thông tư số 158/2013/TT-BTC ngày 13/11/2013 hướng dẫn Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về ban hành quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại doanh nghiệp;

Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC và pháp luật liên quan để xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng yêu cầu các tổng công ty triển khai thực hiện nghiêm theo đúng quy định và gửi quy chế quản lý nợ của doanh nghiệp (sau khi đã ban hành) về hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính chậm nhất đến ngày 25/4/2014.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng quy định rõ, các doanh nghiệp nằm trong diện phải gửi phương án xử lý nợ có khoảng thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định 206 của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành.

Vũ Minh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.