Mới đây, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình thị trường bất động sản (BĐS) năm 2011 và đề xuất các giải pháp, tổ chức quản lý phù hợp nhằm phát triển ổn định có hiệu quả thị trường này.
Các giải pháp đồng bộ

Thị trường BĐS Việt Nam sẽ vẫn phát triển thiếu bền vững, ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như nhu cầu nhà ở của người dân nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS. Tiếp đến, giảm tỷ trọng tín dụng BĐS có lộ trình, điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng trong đó cần tăng tỷ trọng cho vay đối với xây dựng hạ tầng phục vụ mục đích kinh doanh, vay mua nhà để ở, vay hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành tăng tính thanh khoản cho sản phẩm nhằm bán thu hồi vốn đầu tư. Đồng thời, sớm nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ Đầu tư tín thác BĐS tăng vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.


Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường BĐS, nhất là BĐS nhà ở. Cần phát triển cân đối giữa cung và cầu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị mới. Cụ thể tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng (tại Hà Nội, TP. HCM các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%). Hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên tối đa không quá 20% trên tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới…); tạo cơ chế phù hợp phát triển nhà cho thuê.


Giải pháp tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm gồm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Bộ kiến nghị sớm giải quyết các vướng mắc về xác định giá đất, nộp thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh BĐS. Giải pháp cuối cùng, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh BĐS.


Vẫn thiếu hụt nguồn vốn


Trước những động thái nhằm cứu thị trường BĐS của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: "Việc nới các quy định tín dụng của Ngân hàng Nhà nước với đối tượng mua nhà thu nhập thấp, cho cá nhân vay mua nhà để sử dụng, các dự án nhà ở cho thuê… có thể trong ngắn hạn kích thích được nguồn cầu đối với trường hợp mua nhà thương mại trả góp. Bên cạnh đó còn tạo ra hướng mở cho các dự án mà đối tượng mua, cho thuê nhà thu nhập thấp - một nhu cầu đang rất cao tại Việt Nam, cũng như thị phần nhà cho thuê và là một hướng đi mới phát triển cho chiến lược nhà ở.


Tuy nhiên, thị trường BĐS cần nhiều hơn thế đối với trung và dài hạn, bởi theo dự báo nguồn vốn cho thị trường BĐS vào năm tới vẫn còn hạn chế. Dự kiến năm 2012, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, tổng tăng trưởng tín dụng 15 - 17%/năm. Trong khi đó, năm nay 2011, tỷ lệ này là 20%/năm, nhưng thị trường BĐS vẫn thực sự thiếu hụt nguồn vốn. Như vậy, quan trọng ở đây sự thay đổi riêng phần tỷ trọng cho vay BĐS, bao gồm cả tốc độ giảm và giữ giá trị tuyệt đối của tổng tỷ trọng phần này là một yếu tố quan trọng cho thị trường bất động sản. Chẳng hạn, 9 tháng năm 2011 dư nợ cho BĐS giảm 31.000 tỷ đồng so năm 2010, điều này đã góp phần làm thị trường đóng băng. Đồng thời, việc cho vay theo đúng thị phần để kích cầu rất quan trọng như mua nhà trả góp để sử dụng, vay xây nhà, sửa nhà cần tăng lên.


Thêm vào đó, dù Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nới lỏng tín dụng cho BĐS, nhưng trên thực tế, mỗi ngân hàng thương mại có quyết định cho vay BĐS theo quy định của hội đồng tín dụng ngân hàng đó, nên việc cho vay BĐS vẫn phải dựa vào từng trường hợp cụ thể. "Như vậy, động thái của Ngân hàng Nhà nước là tích cực trong ngắn hạn, nhưng cần có sự thay đổi phù hợp với các góc nhìn trên" - ông Phan Thành Mai khẳng định.


Để rót vốn cho BĐS cần căn cứ nguồn cung và cầu của thị trường để điều tiết. Chúng ta có thể nhìn thấy, việc tiếp tục rót nguồn vốn vào một số phân khúc BĐS mà không phù hợp nguyên tắc cung - cầu của thị trường sẽ càng làm ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của thị trường BĐS.


Ông Phan Thành Mai Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam

Theo Minh Trang (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.