Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng lạc quan nhận định, nếu thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, có thể trong 2 năm nữa, thị trường BĐS sẽ “tan băng”.

Sáng 24.1 đã diễn ra phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về các giải pháp “phá băng” thị trường bất động sản (BĐS).

Tồn kho trị giá hơn 200.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn, giá cả BĐS sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Riêng TP.HCM và Hà Nội đã chiếm khoảng gần 50% thị trường BĐS cả nước, cũng là 2 nơi tình hình thị trường khó khăn nhất. Thị trường BĐS trầm lắng dẫn đến tồn kho BĐS và các loại vật liệu xây dựng tăng nhanh.

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, nhà ở tồn kho 42.230 căn, tồn kho 92.800m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.407m2 sàn trung tâm thương mại, 7,9 triệu m2 đất nền nhà ở, 1,9 triệu m2 đất thương mại khác. Giá trị tồn kho BĐS trong cả nước là trên 200.000 tỷ đồng.

Các ý kiến cho rằng số liệu tồn kho chưa phản ánh được tình hình thực tế khi còn nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và do đặc điểm của tồn kho BĐS khác với các sản phẩm công nghiệp khác (nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng).

Giải pháp “phá băng” chính được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra là gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với chiến lược quốc gia về nhà ở, cơ cấu lại phân khúc nhà ở cho hợp lý.

Hiện nay, phân khúc nhà cao cấp và trung bình thì thừa cung, trong khi cầu thì đang rất thiếu nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Nếu cơ cấu lại phân khúc nhà ở, cụ thể bằng biện pháp chia nhỏ các căn hộ chung cư giá trị cao, trong khi ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà, sẽ kích thích cầu và từ đó giải quyết được điểm nghẽn là hàng tồn kho, kích thích thị trường BĐS ấm trở lại.

“Có thể 2 năm nữa, nếu thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trên, thị trường BĐS sẽ tan băng” - Bộ trưởng Dũng nhận định.

Cần sửa luật để gỡ rối cho BĐS

Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, giải pháp của Bộ Xây dựng và Chính phủ tập trung vào giải quyết hàng tồn kho BĐS chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết phần ngọn là chưa ổn. ĐB Cao Sĩ Kiêm, ĐB Trần Du Lịch đều cho rằng, quan trọng là phải tìm hướng ra cho thị trường BĐS trong thời gian tới, phải tính tới các giải pháp lâu dài, căn cơ.

ĐB Du Lịch dùng hình ảnh “chiếc máy bay toàn ghế hạng thương gia mà không có hạng phổ thông” để nói về sự lệch pha trong cung - cầu của thị trường BĐS và chỉ ra giải pháp lâu dài là phải sửa luật để gỡ rối cho thị trường BĐS, cụ thể là tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản, nếu không càng gỡ sẽ càng rối thêm.

Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho BĐS tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khoảng 111.963 tỷ đồng. Giá trị tồn kho BĐS trong cả nước là trên 200.000 tỷ đồng, trong đó số nợ xấu chiếm khoảng 5,55%. “Đó là chưa kể các khoản vay liên quan tới BĐS. Nếu tính cả thì phải lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Đỡ lời cho Bộ trưởng Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với ý kiến của ông Kiêm và ông Lịch. Nhưng bà cũng khẳng định: Tồn kho đang là vướng mắc lớn nhất trong thị trường BĐS. Phải giải quyết xong vướng mắc này mới có thể tính tới các vấn đề khác.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định: Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “đóng băng” thị trường BĐS là việc hướng dẫn thực thi luật quá chậm. Luật Xây dựng có từ 2003, Luật Kinh doanh ĐBS có từ 2006, Luật Quy hoạch đô thị có từ 2009 mà mãi tới 2011, Chính phủ mới ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thì quá muộn.

Ngay cả chính sách phát triển nhà ở xã hội cũng đã có chủ trương từ 5 năm nay, nhưng đến bây giờ, khi thị trường BĐS “đóng băng” thì Chính phủ mới tính tới như một cứu cánh thì cũng là quá muộn. “Nếu chúng ta thực hiện sớm việc hướng dẫn thực thi luật từ vài năm trước thì bây giờ thị trường BĐS đã không gặp phải những khó khăn như thế này”- bà Ngân nhận định.

ĐB Đỗ Văn Đương (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) băn khoăn: Nếu như thực hiện giải pháp việc chia nhỏ 1 căn hộ chung cư thành 2 - 3 căn hộ nhỏ diện tích 20 – 30m2/căn để giảm giá thành, liệu có tạo nên những khu “ổ chuột kiểu mới” khi số lượng nhà nhiều lên, không đồng bộ với hạ tầng, hệ thống điện nước…? Và rằng, việc chia nhỏ căn hộ chung cư ở thủ đô thì liệu có trái với Luật Thủ đô?

Ý kiến trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng không làm hài lòng ĐB Đỗ Văn Đương. Dường như hiểu chưa đúng câu hỏi của ĐB Đương, Bộ trưởng Dũng cho rằng không thể nói việc chia nhỏ các căn hộ chung cư sẽ tạo thành khu nhà ổ chuột vì những căn hộ chung cư đó tuy diện tích nhỏ nhưng vẫn đảm bảo điều kiện sống tốt cho người dân, khác hẳn với các khu ổ chuột (?).

Hải Phong (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.