“Vốn như mạch máu trong cơ thể mỗi con người, nếu thiếu máu mọi cái gần như tê liệt đến khi hết máu thì chết, thị trường BĐS cũng như vậy. Nhà đầu tư (NĐT) khi thiếu vốn sẽ phải hạ giá bán, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu vốn không mua được, “kéo” thị trường xuống trầm lắng và đóng băng”, ông Trần Xuân Lượng - Giám đốc sàn giao dịch BĐS hàng không Thăng Long, ví von.

BĐS Hà Nội: Trong cơn bĩ cực

Hoạt động của thị trường nào cũng vậy không riêng gì BĐS khi thiếu vốn đều có xu thế co lại chờ thời. Điển hình như hiện nay thị trường BĐS Hà Nội lặng lẽ nhất là ở phân khúc cao cấp với hàng loạt dự án được chào bán đều “ế hàng”, do những chênh lệch giá quá cao giữa vị trí trung tâm và ngoài trung tâm, đồng thời “đói” vốn cũng đẩy phân khúc này vào tình trạng “đắp chiếu”.

Theo ông Lượng, khi thiếu vốn sẽ không triển khai được dự án và cắt nguồn cung về tiền trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ không có tiền đầu tư. Dẫu sao thì thị trường BĐS Hà Nội vẫn không ảnh hưởng trầm trọng bằng TP.HCM, vì ở Thủ đô ngoài vốn ngân hàng, chủ yếu vẫn là vốn nhàn rỗi sẵn có trong dân, còn TP.HCM lại dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ ngân hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hưng - Phó tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Thế kỷ khẳng định: Vốn tác động trực tiếp tới BĐS vì lúc nào thị trường cũng cần vốn, không có vốn cũng có nghĩa là những tổn hại lớn bé đều có thể xảy ra và thị trường lập tức rơi… dần xuống đáy.

Ông Hưng giải thích, BĐS không hẳn trầm lắng do thiếu vốn mà còn phụ thuộc vào hai yếu tố, là nhà đầu tư BĐS có vốn lại không muốn “đổ” tiền vào đầu tư; thứ hai nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư lại không có vốn. Chẳng qua là do lạm phát, tốc độ tăng trưởng nên nhà đầu tư ít đầu tư vào BĐS vì sự rủi ro cao.

“Để khắc phục tình trạng thiếu vốn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước chỉ có cách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng, tăng đầu tư công vào BĐS sẽ có nguồn cung về tiền”, ông Phan Thanh Điệp - Giám đốc sàn giao dịch BĐS SUDICO hy vọng. Song hy vọng đó không phải là hiện thực ít ra là ở thời điểm này.

Thị trường BĐS Hà Nội từ quý II đến hết quý III sẽ vẫn trầm lắng và ảm đạm. Chỉ khi có nguồn vốn thực đầu tư cho BĐS thì mới vực dậy được thị trường. BĐS Hà Nội sẽ còn phải chịu đựng cơn bĩ cực này đến bao giờ? Khi nào “đến hồi thái lai”? Câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ!?

Theo TL (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0