"Mất bò mới lo làm chuồng”, câu ngạn ngữ vẫn đang dành cho nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Với vụ cháy ở toà nhà EVN vừa qua, may sao cái sự "mất” cũng chưa lớn. Đây có thể coi là một cuộc tổng dượt, kiểm tra khả năng... Và từ thực tế đã cho thấy còn nhiều bất cập cần đặt ra.

Bất lực…chữa cháy tầng cao?

Tòa nhà của EVN bị cháy trong giai đoạn thi công Ảnh: HOÀNG LONG


Nhìn lại cuộc chữa cháy toà nhà của EVN nhiều người không khỏi không lo lắng. Có thể nói, lực lượng cứu hoả của Thủ đô đã cố gắng với khả năng cao nhất. Các đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, những chiếc xe đặc chủng nhất của thành phố được điều đến, lực lượng quân đội cũng được tăng cường. Thế nhưng, vụ cháy xảy ra vào 16h song phải đến 22h mới cơ bản kết thúc. Công tác cứu hộ nạn nhân diễn ra chậm chạp. Những chiếc xe đặc chủng đã bất lực, khi chỉ vươn lên đến tầng 15-16 toà nhà. Sau nhiều tiếng đồng hồ, cả lực lượng cảnh sát, xe chuyên dụng, bác sĩ... dày đặc dưới đất vẫn phải nhìn trên tầng 25, 28 với ánh đèn điện thoại le lói của người mắc kẹt cầu cứu, mặc dù rồi cuối cùng thì 29 công nhân bị ngạt khói cũng đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu...


Nhiều người dân bức xúc: May sao đây là toà nhà đang thi công, cháy chủ yếu... khói, chỉ có công nhân xây dựng, nếu đây là toà nhà chung cư thì không thể hình dung điều tồi tệ gì sẽ xảy ra... Bởi người ta vẫn còn nhớ vụ cháy tại chung cư 18 tầng JSC 34, ngõ 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi ấy, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội cũng đã điều hơn 80 cán bộ, chiến sỹ cùng 8 xe chữa cháy (trong đó có 2 xe thang) phối hợp Phòng CSGT, Công an quận Thanh Xuân, Cảnh sát 113, Công an phường Nhân Chính, Ban chỉ huy Quân sự quận Thanh Xuân, Trung tâm Y tế 115 và Ban quản lý tòa nhà tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn. Xe thang cứu người tại các ban công nhưng không thể vươn lên được tầng 18. Sau 30 phút, đám cháy đã được khống chế, song 2 người ở phòng 1810 (tầng 18) của tòa nhà đã chết do ngạt khói.


Có thể nói, hầu hết các vụ cháy xuất phát từ hành vi vi phạm Luật PCCC. Sau vụ cháy toà chung cư 18 tầng, người ta mới phát hiện những bất hợp lý trong thiết kế, như ống thu rác sử dụng vật liệu dễ cháy, cửa xả rác song song với cầu thang máy, đối diện với cầu thang thoát hiểm, không có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn dọc hành lang...v.v. Trong vụ cháy ở Toà nhà EVN, như Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Hà Nội, cho biết, Ban Quản lý dự án, nhà thầu đã vi phạm Luật PCCC, không đảm bảo công tác phòng cháy trong quá trình thi công.


Hà Nội hiện có khoảng gần 400 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) là văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ chung cư. Theo Sở cảnh sát PCCC Hà Nội, với các tòa nhà chung cư đều được cơ quan PCCC thẩm duyệt thiết kế PCCC trước khi thi công, nghiệm thu hệ thống PCCC trước khi đưa vào hoạt động. Nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng, phần lớn các nhà chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC như không được bảo dưỡng, bảo trì, vận hành... Lực lượng bảo vệ tại các tòa nhà chưa được huấn luyện đầy đủ nghiệp vụ PCCC, khi xảy ra cháy rất lúng túng trong vận hành các hệ thống PCCC đã được trang bị. Ý thức chấp hành các quy định PCCC của một số công dân trong các tòa nhà rất kém. Rồi do việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sang văn phòng sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến tình trạng quá tải, chập điện gây cháy. Nhiều chung cư cao tầng thiết kế hộp kỹ thuật (trong đó có cả buồng xả rác) trong buồng thang bộ nên khi có cháy, khói lùa vào thang bộ phong tỏa lối thoát nạn...


Số các chung cư cao tầng( trên 17- 18 tầng) ở Hà Nội càng ngày càng tăng, như toà nhà Keangnam cao đến 70 tầng. Từ thực tế cho thấy, vấn đề cứu hoả những toà nhà cao tầng này thật không dễ dàng. Việc thiếu thốn một số trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ cũng là vấn đề. Ngay như xe thang, theo các chuyên gia, trên thế giới chưa có xe thang nào cao hơn 100m, chỉ 72m là cao nhất. Hiện ở Hà Nội chỉ có thể áp dụng xe thang 52m, vươn được tới các tầng 17-18. Nếu mua xe thang 72m, nặng đến 80 tấn thì không có đường nào ở Hà Nội chịu nổi. Trong việc chữa cháy, cứu người ở các tầng cao, nhiều người dân, cũng như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần thiết phải có các phương tiện chữa cháy hiện đại, thậm chí phải dùng cả trực thăng để cứu người bị nạn. Tuy nhiên theo Đại tá Tô Xuân Thiều, để trực thăng đáp được xuống từng tòa nhà làm nhiệm vụ cứu người, các tòa nhà phải thiết kế sân đỗ cho máy bay cứu nạn, nếu chỉ dùng thang dây trên trực thăng để cứu người thì còn phụ thuộc gió, vị trí... nên chưa chắc đảm bảo. Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã đề xuất mua máy bay trực thăng chữa cháy, cứu nạn nhưng giá trị gấp 10 lần một xe chữa cháy chuyên nghiệp, phải đến năm 2020 mới có thể trang bị. Còn như Cục trưởng Cục PCCC Nguyễn Văn Sơn, cho biết, đã đề nghị mua máy bay trực thăng nhưng... chưa mua được!


Chuyện rằng trong nhiều vụ cháy, như vụ cháy ở Toà nhà EVN, đến bình thở oxy, mặt nạ phòng độc, dụng cụ hỗ trợ cho chính lực lượng cứu hộ còn không đủ huống chi cho người dân mắc kẹt... thì vấn đề chưa cháy, cứu hộ ở các cao ốc sẽ còn rất căng thẳng, chưa dám nói là... bất lực!
Theo K.Long (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland