Việc chủ đầu tư vẫn xin cấp phép dự án lớn, liên tục chào bán và tiếp tục tăng giá căn hộ,... cho thấy thị trường không xấu đến mức cần “cứu”.
Bất động sản sẽ ra sao khi không được “giải cứu”?

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kì diễn ra chiều qua, ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ ủng hộ chính sách siết tín dụng cho vay bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, dư luận rộ lên tin Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước “giải cứu” thị trường này. Tuy nhiên, Thứ trưởng tái khẳng định chỉ đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục chứ không đề xuất việc tăng tỷ trọng tổng dư nợ bất động sản.

Về nguyên nhân Bộ xây dựng đồng tình với chính sách siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, có thể lí giải như sau:

Thứ nhất, siết chặt tín dụng giúp thanh lọc nhà đầu tư:

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, các doanh nghiệp nhỏ khó khăn trong việc huy động vốn từ cả khách hàng và các tổ chức tín dụng thì các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn liên tục triển khai những dự án lớn.

Đơn cử như việc VinGroup chào bán thành công Times City, giới thiệu Vincom Village, khai trương Vinpearl Nha Trang, Đà Nẵng,..., Becamex xây khu đô thị 6.500 tỷ đồng tại Bình Dương hay tập đoàn Marriott International (Mỹ) lên kế hoạch triển khai 5 dự án khách sạn cao cấp và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam trong vòng 4 năm tới.

Nhiều dự án nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf có diện tích đất quy hoạch vài trăm đến vài nghìn hecta, vốn đầu tư lớn cũng liên tục được khởi công.

Bên cạnh đó, các vụ mua bán dự án hoặc mua số lượng cổ phần lớn để nắm quyền kiểm soát công ty bất động sản nhỏ hơn của các công ty lớn cũng diễn ra khá phổ biến.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp lớn, có đủ tiềm lực tài chính vẫn vững mạnh và phát triển kể cả trong bối cảnh tín dụng từ ngân hàng khó tiếp cận hơn và lãi suất lên tới 25 - 28%. Còn các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng khi chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng có hiệu lực là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chủ sở hữu ít, nguồn vốn kinh doanh dựa chủ yếu vào các loại vốn vay.

Như vậy, siết chặt tín dụng đối với bất động sản và một số lĩnh vực phi sản xuất khác có thể là cơ hội thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém của thị trường này.

Thứ hai, siết chặt tín dụng giúp giá bất động sản thực tế hơn:

Mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình nhưng giá bất động sản lại thuộc hàng cao nhất thế giới.

Nghịch lí này khiến hầu hết người lao động gần như không có khả năng mua nhà dù có nhu cầu thực. Thay vào đó, giới đầu tư, đầu cơ, môi giới,... lại là những người hưởng lợi lớn từ diễn biến tăng giá không ngừng của thị trường trong thời gian qua.
Kể từ đầu năm 2011, khi giao dịch trên thị trường bất động sản ảm đạm và ít chịu sự tác động từ giới đầu cơ, giá đất nền, chung cư, biệt thự,... có xu hướng giảm tương đối mạnh, thậm chí đến 30%. Điều này có thể giúp các cá nhân có nhu cầu thực về nhà ở dễ tiếp cận với sản phẩm này hơn.

Trong tương lai gần, nếu Ngân hàng Nhà nước thông qua đề xuất tăng tỷ trọng tín dụng cho cá nhân vay mua nhà để ở trong tổng tỷ trọng dư nợ lĩnh vực bất động sản, cơ hội mua nhà của người dân sẽ càng rõ ràng hơn.

Thứ 3, siết chặt tín dụng không tác động nhiều đến nhu cầu thực:

Những ngày cuối tháng 6, Keppel Land đồng loạt giới thiệu 3 dự án tại Hà Nội là Riviera Cove (kề cạnh Khu Công nghệ Cao Sài Gòn, Khu phức hợp Thể thao Rạch Chiếc, TPHCM), dự án The Estella (ấp 3, xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2) và Riviera Point.

Hàng loạt dự án khác như EuroWindow Trần Duy Hưng, Nam Đô Complex Trương Định, biệt thự Country house,... cũng lần lượt ra mắt trong tháng qua cho thấy thị trường vẫn có nhu cầu thực và giao dịch vẫn được thực hiện thành công.

Chủ đầu tư Hyatt Regency Đà Nẵng thì cho biết đã bán được 70% số biệt thự và 80% số căn hộ dự án. Trong khi căn hộ Diamond Island tại TPHCM lại công bố tăng giá lần thứ 4, mức tăng từ 3 - 15%.

Điều này cho thấy sức cầu của thị trường vẫn còn rất lớn, doanh nghiệp bất động sản vẫn có cơ hội để phát triển, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp.

Như vậy, thị trường bất động sản có thể khó khăn trong ngắn hạn nhưng sẽ sớm được vực dậy trong tương lai 2 - 3 năm tới và diễn biến gần với giá trị thực hơn.
Theo Đỗ Hà (DVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0