CafeLand - Thêm một lần nữa áp trần lãi suất cho vay lại được nhiều chuyên gia kiến nghị. Trong cuộc họp gần đây Chính phủ cũng cho biết sẽ xem xét áp trần lãi suất cho vay. Mục tiêu của chính sách này nhằm kéo lãi suất cho vay xuống để cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết hay thực tế chính sách này sẽ không hiệu quả, thậm chí còn nguy hiểm đối với nền kinh tế.

Dồn dập đề xuất áp trần lãi suất

Mới đây, trong trả lời phỏng vấn của báo Đầu tư, TS. Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (EIB) cho rằng, NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay giúp nền kinh tế có thêm điều kiện để phục hồi. Trong kỳ họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 11 vừa qua, Chính phủ bày tỏ quan điểm xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng cho sản xuất - kinh doanh cuối năm.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank), nêu quan điểm: “Có thể chúng ta quy định trần lãi suất cho vay, không nhất thiết phải áp dụng trần lãi suất huy động”. Ngoài các chuyên gia và lãnh đạo một số ngân hàng thì một số doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý xem xét áp trần lãi suất cho vay.

Trên thực tế, trước đó trần lãi suất cho vay nhiều lần được NHNN nhà nước áp dụng. Tuy nhiên, cũng nhiều lần NHNN ra quyết định hủy bỏ cơ chế này vì những hệ lụy gây ra cho thị trường tài chính là khá rõ ràng. Trần lãi suất không phù hợp với cung cầu nên cả người đi vay và doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật. Điều này tạo ra những rủi ro rất lớn cho thị trường tài chính. Cùng với nó là lòng tin của người dân cũng bị suy giảm.

Hiện nay, quy định về trần lãi suất cho vay không vượt quá 1,5 lần lãi suất cơ bản vẫn còn hiệu lực tại Luật dân sự. Tuy nhiên, quy định này đến nay không còn được áp dụng. Hiện tại, trần lãi suất cho vay đối với 4 nhóm đối tượng ưu tiên bị khống chế ở mức tối đa 13%. Dù vậy, quy định này cũng gần như bị lãng quên trong thời gian qua.

Hiệu ứng ngược khi áp trần lãi suất cho vay

Với mục tiêu hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp, cách mà người ta lập tức nghĩ tới là áp trần lãi suất để có một lãi suất thấp hơn. Cách suy nghĩ “ngây thơ” đó không đúng cả trên lý thuyết và thực tế. Về mặt lý thuyết khi giá giảm, nguồn cung sẽ giảm. Như vậy, rõ ràng nếu áp dụng trần lãi suất một các triệt để thì tín dụng đẩy ra nền kinh tế sẽ giảm. Ngoài ra, việc áp trần lãi suất thấp hơn mức cân bằng của thị trường bao giờ cũng tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển, tức là lúc đó ngân hàng và người vay tiền sẵn sàng thỏa thuận một mức lãi suất cao hơn mức trần vì đó mới là điểm cần bằng của thị trường.

Đối với lãi suất tình trạng cũng hoàn toàn diễn ra tương tự. Khi cho vay với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau thì ngân hàng sẽ cho vay với mức lãi suất khác nhau tuy thuộc vào kỳ hạn, mức độ rủi ro khách hàng và giá vốn huy động. Nếu áp trần lãi suất cho vay ở mức quá thấp thì ngân hàng buộc phải hạn chế cho vay hoặc là lách quy định.

Về lý thuyết, trần giá chỉ được áp dụng trong thị trường độc quyền, mặt hàng đặc biệt quan trọng hoặc là trong những tình huống khẩn cấp. Thực tế, trần lãi suất cho vay của Việt Nam trong một số thời kỳ đã áp dụng. Mặt tích cực của nó là tạm xoa dịu sự hoảng loạn của thị trường. Tuy nhiên, trong những lần áp dụng trần lãi suất đều gây ra nhiều hệ lụy đối với thị trường tài chính. Do vậy, cho đến nay trần lãi suất cho vay rất ít được áp dụng.

Về vấn đề này TS. Lê Thẩm Dương cho rằng “Nếu việc áp trần lãi suất cho vay được thực hiện thì có thể nói chúng ta đã thay một phương án xấu bằng phương án xấu hơn. Và như vậy biện pháp này có thể gây ra tác dụng ngược”.

Thực tế nếu NHNN áp trần lãi suất cho vay sẽ là một quyết định rất khó hiểu vì hiện nay thị trường tài chính đang khá ổn định. Lãi suất cho vay đang giảm dần cũng với sự tăng trưởng chậm của lạm phát. Ngoài ra, nhìn chung hệ thống ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn và lợi nhuận bình quân trong 9 tháng đầu năm 2011 đã giảm khá nhiều. Áp dụng thêm biện pháp hành chính là trần lãi suất cho vay sẽ đẩy nhiều ngân hàng đến đường cùng.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn do hàng loạt các nguyên nhân khác nhau, trong đó lãi suất chi đóng một phần nhỏ. Việc xác định không đúng bệnh, kê đơn sai sẽ để lại rất nhiều hệ quả.

Để giảm lãi suất, NHNN nên sử dụng một công cụ có tính thị trường được sử dụng rộng rãi là giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn. Qua đó cung ứng tiền cho hệ thống ngân hàng nhiều hơn để việc giảm lãi suất được thực hiện một cách “tự nhiên”. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu. Như vậy, mới ngăn chặn được việc lãi suất nóng sốt liên tục và rủi ro hệ thống ngày càng tăng cao.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.