Nếu giá vàng thế giới rơi thẳng về vùng 1.600 USD/oz, giá vàng trong nước cũng sẽ được quy đổi tương ứng ra vùng 40-41 triệu đồng/lượng. Khi đó, làn sóng bắt đáy vàng sẽ dâng cao. Tuy nhiên ngay cả tại vùng giá đó, vẫn chưa thể biết vàng có thực sự lập đáy hay chưa.

Dấu hiệu lao dốc của vàng thế giới đã rõ ràng


Trường phái bi quan với giá vàng thế giới đã tạm thời thắng thế. Trong phiên giao dịch ngày 22/9/2011, sau hơn hai tuần cầm cự ở vùng 1.800 USD/oz, giá vàng thế giới đã bị dội một gáo nước lạnh khi mất đến 70 USD, về sát ngưỡng 1.720 USD/oz. Tuy nhiên, cú rớt thảm chỉ trong một phiên này còn phát ra tín hiệu về xu hướng giảm rõ ràng của giá vàng. Phá vỡ đáy gần nhất, giá vàng thế giới đã tạo nên một mẫu hình đồ thị thật sự xấu.


Đến thời điểm này, có thể nói gần như chắc chắn là những kỳ vọng về giá vàng sẽ tiếp tục tăng trưởng lên mốc 2.000 USD/oz, thậm chí cao hơn thế đã bị giã biệt. Với ngưỡng 1.750 USD/oz không giữ được, giá vàng đang có chiều hướng rơi nhanh về ngưỡng 1.600 USD/oz.


Cơ sở cho nhận định trên không thuần túy xuất phát từ phân tích kỹ thuật. Cũng trong phiên giao dịch ngày 22/9, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã làm nên một trận bão lửa đỏ rực. Đáng lý, khi chỉ số chứng khoán giảm mạnh do nỗi âu lo về khả năng nền kinh tế thế giới bị suy thoái, giá vàng phải nhân cơ hội đó mà tăng tiếp. Nhưng không, giá vàng lại giảm cùng chiều, giảm mạnh cùng với chỉ số chứng khoán.


Hiện tượng trên phản ánh điều gì? Hẳn nhiên nhiều nhà đầu tư đã bán vàng để bù cho những mất mát do thua lỗ trong chứng khoán, đồng thời một số quỹ vàng cũng phải bán vàng để bù đắp cho phần vốn bị thiếu hụt do nhà đầu tư rút tiền. Và cuối cùng, tiền bán vàng đã được các nhà đầu tư dùng để mua cổ phiếu - hiện tượng đã kéo dài suốt gần 3 tuần qua.


40-41 triệu đồng/lượng đã là đáy của vàng?

Vàng có thể bước vào đợt giảm mạnh, nhưng liệu đã rơi vào vùng đáy? (ảnh Phạm Hải)


Bán vàng để mua cổ phiếu - đó chính là nguyên do cơ bản làm cho giá vàng không thể vượt qua đỉnh 1.917 USD/oz của nó. Trong khi đó, mặt bằng giá cổ phiếu thế giới đã giảm đến mức rất hấp dẫn. Với chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đã giảm đến 16-18%. Nhưng với chứng khoán của lục địa già thì sự hoảng loạn còn lớn hơn nhiều: CAC của Pháp, IBEX của Tây Ban Nha mất đến trên 30%, thậm chí FTSE MIB của Ý mất đến 45%. So với đáy khủng hoảng 2008 được thiết lập vào tháng 2/2009, những thị trường chứng khoán này đã mất gần hết thành quả của chúng tạo ra trong hai năm rưỡi qua.

Ở các thị trường chứng khoán mới nổi tại châu Á, tình hình có khả quan hơn đôi chút khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ giảm từ 20-30%. Tuy nhiên, bức tranh tổng quát của chứng khoán thế giới từ tháng 5/2011 đến nay vẫn hoàn toàn u ám, phản ánh một chu kỳ suy giảm đang được hiện thực hóa. Nếu không cẩn thận, lịch sử suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn 1936-1937 có thể tái hiện, với việc chỉ số chứng khoán Mỹ sẽ mất đến 50% giá trị phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Nhưng cùng với những dự báo bi quan của các chuyên gia đầu đàn về khả năng 50-60% nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép, thậm chí đang nằm trong vòng xoáy của suy thoái kép và có vẻ một cuộc khủng hoảng đang đến gần, một thực tế hiển nhiên và quá hấp dẫn là giá cổ phiếu tại nhiều quốc gia đang lao xuống vùng đáy, còn giá vàng vẫn vời vợi trên vùng đỉnh.

Về phần mình, thị trường chứng khoán Mỹ không có gì quá phải lo ngại, cho dù có thể rơi vào một đợt giảm điểm mạnh nữa. Lý do chính cho khả năng này là chứng khoán châu Âu đã giảm quá mạnh trong thời gian qua và có thể bật dậy trong không bao lâu nữa, kéo theo chỉ số chứng khoán Mỹ cùng tăng lại.

Từ năm 2000 đến nay, trong khi chỉ số chứng khoán Nasdaq của Mỹ chỉ mới tăng gấp hơn hai lần, thì giá vàng thế giới đã tăng đến 7,6 lần (khá tương đồng với giá vàng Việt Nam). Nhìn vào đồ thị tăng trưởng hầu như liên tục của giá vàng thế giới, không khó để nhận xét là bong bóng vàng đã hình thành, thậm chí đang phình ra rất lớn.

Vì thế, ngay cả trong trường hợp nền kinh tế thế giới có rơi vào suy thoái lần hai, giá vàng thế giới cũng khó mà leo tiếp lên được các mốc kỳ vọng. Ngược lại, dòng tiền đầu cơ của các tổ chức lớn sẽ không bỏ qua cơ hội trời cho để mua gom cổ phiếu với giá rẻ qua các cơn bán tháo.

"Ứng xử" của giá vàng trong nước?

Xu hướng giảm của giá vàng thế giới đã khá rõ. Nhưng còn giá vàng trong nước thì thế nào?

Trong suốt mấy tuần qua, nhờ có một "lực giữ" mà giá vàng trong nước đi ngang ở vùng 46-47 triệu đồng/lượng, luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1,5-2 triệu đồng/lượng. "Lực giữ" trên, đến từ một số tổ chức kinh doanh vàng "cá mập", rõ ràng đã trở nên lộ liễu trong suốt chuỗi ngày giá vàng trong nước chênh biệt quá lớn so với giá vàng thế giới.

Vậy động tác giữ giá cho vàng trong nước nhằm mục tiêu gì? Đã có những thông tin về giá trị bán ròng lớn của những tổ chức kinh doanh vàng như PNJ, SJC, thậm chí SJC vừa được cấp phép nhập khẩu nửa tấn vàng thì sau đó đã bán toàn bộ. Trong con mắt giới đầu cơ và đầu tư vàng, động tác đó khá giống với hoạt động kiềm giá để thoát hàng.

Dù là với thị trường chứng khoán hay thị trường vàng, thường sau động tác thoát hàng giá cao, chỉ số thị trường lập tức bị "buông". Khi đó, giá hàng hóa của thị trường sẽ rơi tự do. Thị trường vàng Việt Nam cũng đang biểu hiện những dấu hiệu như thế.

Vào sáng ngày 23/9, mặc dù đã tiếp nhận thông tin giá vàng thế giới lao dốc đêm trước, nhưng giá vàng trong nước vẫn ở gần mốc 47 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, sự chênh lệch giữa trong với ngoài đã lên đến gần 3 triệu đồng/lượng - một khoảng cách vô cùng khó để người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận.

Hiện tượng trên cũng cho thấy giá vàng trong nước đang trong tình trạng lơ lửng ở vùng đỉnh, một tư thế nguy hiểm đối với giới đầu cơ và tràn đầy rủi ro đối với những người dân đang có xu hướng dùng tiền tiết kiệm để mua vàng. Tình cảnh nhốn nháo trên thị trường vàng rất có thể sẽ được lặp lại trong những ngày tới, nhưng ở một thái cực ngược lại hoàn toàn: thay vì xếp hàng mua thì lại rồng rắn bán ra. Với những phiên giá vàng thế giới giảm mạnh, tình cảnh nháo nhào còn có thể xảy ra khi người giữ vàng hoảng hốt lao đến các tiệm vàng để bán tháo thứ kim loại quý hiếm của họ.

Trong bài "Vàng có thể bước vào đợt giảm mạnh" (VEF.VN ngày 8/9/2011), chúng tôi đã dự báo giá vàng thế giới có khả năng rơi về vùng 1.600 - 1.650 USD/oz trong ngắn hạn; còn trong trung hạn, giá vàng có thể giảm từ 20-23%, tức về vùng 1.500 USD/oz trong 6-8 tháng. Hiện thời, giá vàng thế giới đã hoàn chỉnh dấu hiệu chuyển mình để đổ dốc.

Một căn cứ khá thú vị khác mà có thể giúp chúng ta dự báo về giá vàng là sự so sánh về mối tương quan giữa hai mẫu hình đồ thị suy giảm của chỉ số chứng khoán Mỹ và giá vàng. Trong tháng 5-6/2011, chứng khoán Mỹ đã lập mô hình hai đỉnh, với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Còn trong tháng 8-9/2011, giá vàng thế giới cũng lập mô hình hai đỉnh, đỉnh sau cũng thấp hơn đỉnh trước.

Vậy nếu ứng với mô hình điều chỉnh của chứng khoán Mỹ, liệu trong vài tuần tới giá vàng sẽ lao dốc mạnh? Không loại trừ khả năng này, đồng thời còn có thể ước tính giá trị mất mát của giá vàng khi tham khảo giá trị mất mát của chỉ số chứng khoán Mỹ từ 16-18% trong mấy tháng qua.

Nếu giá vàng thế giới rơi thẳng về vùng 1.600 USD/oz, giá vàng trong nước cũng sẽ được quy đổi tương ứng ra vùng 40-41 triệu đồng/lượng. Xu hướng sụt giảm này một phần chịu tác động từ giá vàng thế giới, nhưng phần khác sẽ được "khuyến khích" bởi động cơ đánh xuống của các nhóm đầu cơ vàng trong nước. Khi đó, làn sóng bắt đáy vàng sẽ dâng cao. Tuy nhiên ngay cả tại vùng giá được coi là hấp dẫn đó, vẫn chưa thể biết vàng có thực sự lập đáy hay chưa.

Theo Việt Thắng (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.