CafeLand - Việc quản lý bất động sản thương mại có thể là cơn ác mộng với nhiều người vì nó gồm rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Từ đàm phán hợp đồng đến xây dựng và bảo trì, mỗi khía cạnh đều có hàng nghìn nhiệm vụ nhỏ đóng vai trò là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu lớn hơn.

Đối với những nhà quản lý bất động sản thương mại, những chi tiết nhỏ có thể gây ra nhiều khó khăn. Với những người định hướng sẽ bước chân vào lĩnh vực này, hãy xem qua những lời khuyên từ các chuyên gia của Forbes để có thêm cái nhìn tổng quan.

1. Đẩy mạnh tính nhất quán và minh bạch

Nhất quán, đáng tin cậy và minh bạch là những chìa khóa cho tất cả những nhà quản lý bất động sản thương mại. Với khách hàng, bạn cần thể hiện rõ ràng các quy trình quan trọng và cố gắng thực hiện chúng một cách tự động, tức là áp dụng những ứng dụng công nghệ, ví dụ như các chuyến tham quan ảo, giao tiếp bằng văn bản tự động,…. Trong khi đó, đối với chủ sở hữu, bạn cần cố gắng minh bạch 100% và gửi báo cáo hàng tuần với số liệu thống kê chi tiết.

2. Tập trung phát triển chất lượng dịch vụ khách hàng

Chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng là điều tối quan trọng mà những nhà quản lý tài sản cần chú ý, đặc biệt đối với những nhà quản lý tài sản của các khu chung cư cao cấp. Những cư dân này đã quen với chất lượng khách sạn, dịch vụ hàng đầu. Vì vậy, bất cứ vấn đề gì khiến họ không hài lòng cũng có thể ảnh hưởng đến doanh thu.

3. Người thuê chính là khách hàng

Hai khía cạnh khác để thành công bao gồm đối xử với người thuê nhà như khách hàng của bạn và thường xuyên kiểm tra việc bảo trì tài sản. Xây dựng mối quan hệ tốt với người thuê sẽ giảm tỷ lệ trống của các tài sản thương mại cũng như đơn giản hóa quá trình đàm phán. Trong khi đó, công việc kiểm tra bảo trì định kỳ giúp giảm bớt các vấn đề nhỏ, thứ có thể gây ra những vấn đề lớn hơn trong tương lai.

4. Xây dựng mối quan hệ

Sự thành công trên thị trường bất động sản được xây dựng dựa trên nền tảng là các mối quan hệ. Bên cạnh mối quan hệ với khách hàng, bạn có thể tạo dựng mối quan hệ với tất cả những bên liên quan khác như chủ đầu tư, luật sư, các nhà quy hoạch,…Chính họ cũng có thể giúp bạn tìm kiếm ra một nguồn khách hàng tiềm năng đáng kể.

5. Cân bằng trong cảm xúc

Là một nhà quản lý, bạn cần biết cân bằng cảm xúc. Để làm được việc đó, bạn cần tiếp cận với khách hàng thông qua sự chia sẻ và cảm thông. Cách tiếp cận này sẽ tạo tiền đề cho sự thành công lâu dài.

6. Tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng

Trước khi tiến hành thực hiện bất kỳ điều gì, bạn nên có những đánh giá kỹ lưỡng về nhiều khía cạnh khác nhau. Đối với lĩnh vực quản lý bất động sản thương mại, bạn có thể tìm hiểu về các công ty phần mềm quản lý bất động sản tốt nhất, chuẩn bị sẵn danh sách nhà cung cấp đã được kiểm tra cũng như các biểu mẫu khác nhau. Cũng đừng quên tìm hiểu về nhóm khách hàng của bạn.

7. Áp dụng các nền tảng công nghệ

Để có được lợi thế cạnh tranh trong thời đại số, bạn cần nắm bắt các giải pháp công nghệ, đặc biệt là đẩy mạnh quá trình tự động hóa. Mặc dù phần lớn công việc của bạn bắt nguồn từ tài sản hữu hình, nhưng đừng vì lý do đó mà bỏ qua công nghệ. Áp dụng công nghệ một cách hiệu quả có thể giúp giảm chi phí hoạt động, đánh giá hiệu suất và tối đa hóa doanh thu.

8. Học hỏi từ những người có kinh nghiệm

Cách nhanh nhất để tích lũy kinh nghiệm là làm việc cho một nhà quản lý tài sản khác. Kiến thức trong lĩnh vực này là vô tận, bởi nó đòi hỏi bạn phải có những trải nghiệm thực tế, va chạm với nhiều tình huống để biết cách xử lý. Vì vậy, học hỏi từ những người đi trước là điều nên làm.

9. Kết nối với những công ty xây dựng uy tín

Mối quan hệ giữa bạn với những chủ đầu tư bất động sản sẽ là yếu tố then chốt để giúp thu hút và giữ khách hàng. Tuy nhiên, việc bảo trì và xây dựng cũng không kém phần quan trọng, đặc biệt với các loại hình bất động sản công nghiệp, cao ốc văn phòng và bán lẻ. Do đó, bạn cần có mối quan hệ tốt với cả những công ty xây dựng uy tín, những người sẽ giúp bạn thực hiện việc xây dựng, đánh giá và bảo trì.

10. Phát triển một quy trình rõ ràng

Bạn cần tạo ra một quy trình làm việc cụ thể để xử lý các vấn đề, từ việc đi thuê, tiếp thị, cho thuê, thu tiền,..... Quy trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người thuê. Ngoài ra, bạn cũng nên tự đặt KPI cho bản thân để quản lý nguồn ngân sách một cách phù hợp. Điều quan trọng là phải biết mục tiêu mà bạn đang hướng đến và nó tác động như thế nào đến hiệu suất.

11. Nắm rõ luật pháp địa phương

Tất nhiên, bất kể bạn đang làm gì, điều quan trọng bậc nhất chính là nắm rõ luật pháp. Bạn hoàn toàn có thể gặp phải nhiều vấn đề rắc rối, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng nếu không tìm hiểu kỹ về luật pháp địa phương. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định, bạn cần tìm hiểu và cập nhật một cách thường xuyên về luật pháp.

Anh Nguyễn (Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.