Có ý kiến nói, nới hay siết mức trần lãi suất vốn vay xét đến cùng chỉ là can thiệp hành chính và không đúng “huyệt”
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 75/2017 (TT 75) sửa đổi Thông tư 55/2016 (TT 55) về quản lý tài chính đối với các dự án hợp tác công - tư (PPP). Trong đó, trần lãi suất vay vốn được quy định cởi mở hơn. Cụ thể, nếu các dự án được chỉ định thầu thì mức lãi suất vốn vay sẽ không được vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn tương ứng. Đồng thời, không vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung - dài hạn của 4 NHTM Nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
Hiện nay hầu hết dự án BOT đều chỉ định NĐT nên mới phát sinh vướng mắc về trần lãi suất
“Gãi đúng chỗ ngứa”
Thực tế, việc cởi mở “nút thắt” lãi suất vay vốn đối với các dự án PPP như trên chính là một cách nới rộng trần khống chế chi phí vốn cho các dự án dạng này. Bởi cách đây hơn một năm khi TT 55 chính thức có hiệu lực (5/5/2016), hàng loạt các nhà đầu tư (NĐT) dự án BOT lĩnh vực hạ tầng, giao thông đã phản ứng gay gắt.
Theo đó, nhiều NĐT tư cho rằng khi quy định giới hạn mức lãi suất vay “không được vượt quá 1,3 lần mức lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm” và “không được vượt mức lãi suất cho vay trung – dài hạn của 4 NHTM Nhà nước” là đã “trói buộc” các NĐT dự án BOT, khiến họ không thể huy động được nguồn vốn tín dụng từ các NHTM.
Cụ thể, nếu áp dụng đúng quy định trên, giả định lãi suất trung bình phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm thời điểm tháng 6/2016 là 7%/năm thì lãi suất NĐT đi vay để đưa vào hợp đồng BOT sẽ không được quá 9,1%/năm. Trong khi đó, lãi suất trung bình cho vay trung - dài hạn của các NHTM cùng thời điểm sẽ ở mức trên 11%/năm. Vì thế các chủ đầu tư dự án sẽ không thể tiếp cận được vốn vay.
Việc quy định nâng mức trần lãi suất vay vốn của dự án PPP lớn hơn 1,5 lần lãi suất trúng thầu TPCP cùng kỳ hạn với thời gian thực hiện dự án sẽ khiến hàng loạt các dự án BOT bị kẹt vốn thời gian qua có thể vay vốn trở lại.
Bởi các thống kê trong vòng 6 tháng gần đây cho thấy lãi suất trúng thầu TPCP kỳ hạn 10 năm khoảng 9,09%/năm, kỳ hạn 15 năm là 10,59%/năm và kỳ hạn 20 năm là 11,37%/năm. Nếu nhân lên 1,5 lần mức lãi suất này thì mức trần lãi suất vốn vay mà các dự án PPP có thể vay hiện nay dao động khoảng từ 13,6 - 15,8%/năm. Mức này dư sức để các chủ đầu tư dự án BOT có thể đàm phán vay vốn vì theo các thống kê của NHNN, mặt bằng mức lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện nay của các TCTD phổ biến chỉ ở mức 9,3% - 11%/năm.
Không trúng huyệt và rủi ro
Mặc dù việc cởi mở mức trần lãi suất vay vốn cho các dự án PPP đã khiến hàng loạt các dự án BOT hạ tầng giao thông, như: Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Dự án BOT Đèo Cả, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án Quốc lộ 19… đang bị gián đoạn nguồn vốn được các NHTM cho vay trở lại. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít áp lực đối với rủi ro lệch pha tín dụng.
Thực tế hiện nay hoạt động cho vay BOT đã phát triển rất nhanh chóng. Từ 2014 đến nay, NHNN nhiều lần có văn bản nhắc nhở các TCTD kiểm soát nguồn vốn “đổ ra đường” để giảm thiểu các nguy cơ mất cân đối thanh khoản. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ cho vay các dự án BOT, BT cả nước vẫn đạt con số rất lớn: 84.235 tỷ đồng. Trong số này có hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị “chôn” lại tại các dự án chậm tiến độ, dễ dàng phát sinh rủi ro nợ xấu.
Phân tích về việc cởi mở nút thắt lãi suất vay vốn đối với các dự án PPP, LS. Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NH Quang & Associates), cho rằng việc nới hay siết mức trần lãi suất vốn vay như cách làm của Bộ Tài chính xét đến cùng vẫn là can thiệp hành chính và không đúng “huyệt”.
Theo ông Lập để quản lý tài chính đối với các dự án PPP đặc biệt dự án BOT giao thông, Nhà nước cần đề ra và áp dụng giải pháp “cả gói”. Theo đó, riêng về giải pháp tài chính thì không nên quan niệm đơn giản về khái niệm chủ đầu tư như hiện nay mà cần xem chủ đầu tư đích thực bao gồm nhiều bên tham gia khác cùng với chủ đầu tư đề xuất dự án ban đầu, trong đó NHTM chỉ là một bên tài trợ.
Để hạn chế rủi ro tài chính, không nên chú trọng đến chủ đầu tư ban đầu mà cần tăng cường kiểm soát ngân hàng và các bên tài trợ khác. Theo đó, Bộ Tài chính phải vừa tạo ra điều kiện, vừa tạo khung chính sách thuận lợi để các dự án BOT có thể đa dạng hóa nguồn tài chính, bao gồm vốn chủ đầu tư ban đầu, vốn vay thương mại, vốn trái phiếu công trình và vốn từ các nguồn khác (quỹ đầu tư, cổ đông vãng lai).
“Nói một cách khác, cần có chính sách hạn chế cho vay thương mại như là nguồn tài chính duy nhất hay chủ yếu cho các dự án BOT, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong tương lai”, ông Lập nói.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà (chuyên gia tư vấn độc lập về tài chính công) việc cởi mở nút thắt lãi suất như trên thực tế chỉ là một cách để gỡ khó cho các dự án BOT chậm tiến độ. Điều này chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các NĐT chứ không mang lại lợi ích lâu dài trong việc quản lý và kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Theo bà Hà, để quản lý tài chính tốt hơn đối với các dự án PPP việc đầu tiên Bộ Tài chính cần làm là minh bạch được khâu đấu thầu lựa chọn NĐT. Bởi hiện nay hầu hết dự án BOT đều chỉ định NĐT nên mới phát sinh vướng mắc về trần lãi suất (do lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của NĐT được lựa chọn). Nếu dự án được đấu thầu rộng rãi, lựa chọn được NĐT có năng lực tài chính tốt thì ngân hàng sẽ yên tâm cho vay với lãi suất thấp hơn.
Từ 2014 đến nay, NHNN nhiều lần có văn bản nhắc nhở các TCTD kiểm soát nguồn vốn “đổ ra đường” để giảm thiểu các nguy cơ mất cân đối thanh khoản. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ cho vay các dự án BOT, BT cả nước vẫn đạt con số rất lớn: 84.235 tỷ đồng. Trong số này có hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị “chôn” lại tại các dự án chậm tiến độ, dễ dàng phát sinh rủi ro nợ xấu.
Thạch Bình (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.